Việt Nam có thể chủ động bảo dưỡng máy biến áp

Đề tài Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500 kV tại hiện trường của NPT giúp ngành điện trong nước có thể chủ động bảo dưỡng máy biến áp.
Tại lễ trao giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011 diễn ra tối 15/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 3 giải thưởng được trao giải; trong đó Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) có 2 đề tài khoa học đạt giải.
 
Đó là Đề tài “Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500kV tại hiện trường,” đạt giải Nhất và đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao” đạt giải Nhì. Đặc biệt “Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500 kV tại hiện trường” đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới tặng biểu trưng Vàng cho đề tài xuất sắc nhất giải Vifotec.
 
Giảm thiểu thời gian cắt điện cũng như tiết giảm tối đa chi phí bảo dưỡng các máy biến áp 500 kV là kết quả của đề tài Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500 kV tại hiện trường.
 
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ nhiệm đề tài cho biết để công tác bảo dưỡng các máy biến áp siêu cao áp thành công, bằng mọi cách phải tách được toàn bộ các tạp chất, khí và ẩm với các phần tử bên trong máy biến áp, đưa cách điện máy biến áp trở về tinh khiết tuyệt đối.
  
Quá trình thực hiện phải đảm bảo không làm biến đổi, hư hỏng các phần tử máy biến áp. Chất dầu cách điện đã được làm nóng 85 độ C đưa vào (bơm & hút tuần hoàn) gia nhiệt bên trong máy biến áp theo nguyên tắc toàn bộ các phần tử trong máy biến áp đều phải được gia nhiệt ở một nhiệt độ. Duy trì bên trong máy biến áp ở môi trường chân không và nhiệt độ cao khoảng 80 độ C trong 24 giờ. Khi đó, toàn bộ các tạp chất, các loại khí và đặc biệt là hàm lượng ẩm sẽ bị hút và đào thải ra ngoài, đảm bảo phục hồi cách điện ở điện áp siêu cao áp 500 kV.
  
Theo NPT, từ năm 1994, khi hệ thống điện siêu cao áp 500 kV của Việt Nam lần đầu tiên được đưa vào vận hành với 18 máy biến áp, đến nay đã phát triển lên 78 máy biến áp. Do phải vận hành liên tục, thường xuyên mang tải cao trong thời gian dài, nên chất lượng vận hành các máy biến áp đã suy giảm nhiều; trong đó 40% máy biến áp bị hư hỏng, không còn khả năng vận hành. Một số máy mới đưa vào vận hành không đạt tiêu chuẩn đã phải chuyển trả về Hãng chế tạo ở nước ngoài để sửa chữa. Việc bảo dưỡng thông thường phải mất từ 15-18 tháng với nhiều thủ tục phức tạp. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận hành cũng như hết sức tốn kém chi phí trong khâu vận chuyển. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải bảo dưỡng được các máy biến áp 500 kV tại hiện trường vừa để tiết kiệm ngân sách, vừa chủ động trong công tác sửa chữa, phục vụ cung cấp điện.
  
Trên thực tế, đề tài Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500 kV tại hiện trường đã được áp dụng bảo dưỡng thành công với máy biến áp 500 kV-AT2 tại trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng của Công ty Truyền tải điện 2. Mới đây, Công ty Truyền tải điện 1 cũng áp dụng quy trình công nghệ của đề tài này, bảo dưỡng thành công và đưa vào vận hành 2 máy biến áp 500 kV tại trạm 500 kV Hòa Bình.
 
Theo tính toán, với 78 máy biến áp 500 kV, nếu bảo dưỡng theo công nghệ cũ mỗi máy phải mất khá nhiều thời gian cũng như chi phí. Trong khi trên thế giới vẫn chưa có công xưởng chuyên bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500 kV, công việc này hiện đang được thực hiện bởi các hãng chế tạo, sản xuất ra máy biến áp, chưa kể công tác đàm phán khó khăn và phụ thuộc vào hãng chế tạo. Ngoài ra, còn hàng trăm máy biến áp từ 220, 110, 35kV xuống 22 kV đều có cấu tạo cơ bản giống nhau. Nếu tiếp tục áp dụng đề tài khoa học này cho các máy biến áp dạng nhỏ hơn sẽ không chỉ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng, mà quan trọng hơn, Việt Nam có thể chủ động trong công tác chăm sóc, bảo dưỡng các máy biến áp, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho nền kinh tế quốc dân.
 
Đảm bảo vận hành an toàn liên tục lưới điện truyền tải, giảm việc cắt điện và chủ động trong xử lý nhiễm bẩn cách điện là kết quả của đề tài “Vệ sinh sứ cách điện khi đang mang điện bằng nước cao áp” của đồng tác giả Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Trí Dũng - Công ty Truyền tải điện 3.
 
Theo tác giả Nguyễn Văn Xuân, trước khi thực hiện đề tài này, biện pháp duy nhất để giải quyết việc nhiễm bẩn cách điện, giảm được phóng điện, tránh được sự cố, nhưng không để hệ thống điện bị gián đoạn là cắt điện đường dây và công nhân vệ sinh thủ công từng bát sứ. Việc vệ sinh thủ công này không chỉ tốn kém mà còn tăng nguy cơ mất an toàn cho người lao động khi phải làm việc trong môi trường điện siêu cao áp đồng thời, việc cắt điện đường dây truyền tải luôn là bài toán nan giải của những người làm công tác quản lý kỹ thuật lưới điện quốc gia vì tăng nguy cơ mất ổn định của hệ thống điện và thiếu nguồn cho phụ tải.
 
Sau hơn hai năm nghiên cứu và thử nghiệm thành công trên lưới 220 kV và 500 kV đang mang điện, Nhóm đề tài đã mạnh dạn đề xuất thực hiện vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng công nghệ bắn rửa nước áp lực cao tại các loại cột đỡ, néo của đường dây và các thiết bị, máy biến áp từ 220 - 500 kV. Đề tài này phù hợp với địa hình vùng núi, Tây Nguyên có thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều, độ ẩm cao cùng với bụi đất đỏ Bazan nên rêu và bụi bẩn bám chặt trên sứ cách điện của đường dây và trạm biến áp. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho hệ thống điện quốc gia.
 
Ngoài giải thưởng Vifotex, cả hai đề tài này còn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng Lao động sáng tạo và Kỷ niệm chương Tuổi trẻ sáng tạo./.

Mai Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục