10 sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam 2013

Ngày 24/12, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán đã công bố bình chọn 10 sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013.

Ngày 24/12, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán đã công bố bình chọn 10 sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013.

Tiêu chí bình chọn các sự kiện tiêu biểu phải được các cơ quan báo chí quan tâm, phản ánh trên diện rộng, được dư luận quan tâm và có những tranh luận nhiều chiều xung quanh chủ điểm này đồng thời sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, các nhà báo đã thống nhất bầu chọn thứ tự các sự kiện như sau:

1. Thị trường chứng khoán Việt Nam có một năm hồi phục mạnh. Theo số liệu từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các chỉ số giá chứng khoán trên hai sàn niêm yết đã có mức tăng mạnh so với cuối năm 2012.

Cụ thể, VN-Index tăng trên 22%, HNX-Index tăng 13%. Với sự gia tăng của các chỉ số chứng khoán trong năm 2013, Việt Nam trở thành một trong những nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới.

2. Lần đầu tiên hai công ty chứng khoán thực hiện hợp nhất. Ngày 9/12/2013, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đã trao Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty Chứng khoán MB (MBS) trên cơ sở Hợp nhất hai Công ty Chứng khoán MB (MBS) và Công ty Chứng khoán VIT (VITSE). Sự kiện này ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ công ty chứng khoán trong năm 2013.

3. Thị trường đã có chế tài cho việc chậm đưa cổ phiếu đã chào bán công khai lên sàn tập trung.

Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 có hiệu lực từ 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó bổ sung hành vi vi phạm cam kết đưa chứng khoán chào bán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

4. Hoạt động giao dịch chứng khoán được kéo dài thời gian và triển khai nhiều lệnh mới. Năm 2013 cả hai Sở giao dịch chứng khoán (HoSE và HNX) đã thực hiện nhiều cải tiến mới trong cơ chế giao dịch.

Ngày 29/7, HNX áp dụng phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa vả triển khai các lệnh mới như ATC, MTL, MOK, MAK… Trước đó, kể từ ngày 22/7, HSX cũng kéo dài thời gian giao dịch thêm 45 phút.

5. Sôi động xu hướng thành lập Quỹ mở. Quỹ mở phát triển nhanh chóng trên cơ sở chuyển đổi các quỹ đóng sang quỹ mở và thành lập mới. Năm 2013, sản phẩm quỹ mở bùng nổ với hàng loạt quỹ chính thức được thành lập. Tính đến hết tháng 12/2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép thành lập cho 10 quỹ mở.

6. Bộ chỉ số chứng khoán được hoàn thiện. Năm 2013, các bộ chỉ số chứng khoán theo Top 30, 70 và 100 đồng thời với các bộ chỉ số phân ngành của 2 Sở giao dịch Chứng khoán đã được hoàn thành. Cả hai sở HoSE và HNX đều đã công bố tiêu chuẩn phân ngành, phân nhóm theo tiêu chí vốn hóa đối với các cổ phiếu niêm yết. Trên cơ sở đó, hai sở tiến hành xây dựng các chỉ số ngành.

7. Thị trường trái phiếu tăng trưởng kỷ lục. Trong năm 2013, thị trường trái phiếu tăng trưởng 90% so với năm ngoái, bình quân giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt 1.600 tỷ đồng/phiên.

Từ tháng 3/2013, Sở GDCK Hà Nội đã ban hành quy định và xây dựng đường cong lãi suất chuẩn cho trái phiếu Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường trái phiếu Việt Nam và cơ sở để các thành viên có thể định giá giá trị danh mục đầu tư.

8. Lần đầu tiên có hướng dẫn cụ thể về xử lý hình sự đối với 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán.

Thông tư liên tịch số 10/2013 (TT10) hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, kế toán và chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/8/2013.

9. Lần đầu tiên chấm điểm minh bạch quản trị của doanh nghiệp. Bắt đầu từ năm 2013, HNX đã thực hiện chấm điểm minh bạch các doanh nghiệp định kỳ hàng năm.

10. Số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết cao kỷ lục. Trong năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến làn sóng doanh nghiệp huỷ niêm yết lớn nhất từ trước đến nay. Trong khi số lượng công ty niêm yết mới trong năm chỉ tăng 13 công ty, thì có tới 37 công ty hủy niêm yết do không bảo đảm điều kiện niêm yết, vi phạm chế độ công bố thông tin, thực hiện tái cấu trúc công ty,..). Đây là bằng chứng cho thấy quá trình tái cấu trúc cơ cấu hàng hóa đang diễn ra trên thị trường, theo đó tính chất đào thải là rất mạnh mẽ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục