Ngày 9/4, hơn 200 cuộc biểu tình phản đối việc sửa đổi Luật Lao động tập hợp khoảng 120.000 người đã diễn ra tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp như Paris, Marseille, Rennes, Strasbourg, Toulouse...
Đây là cuộc biểu tình quy mô lần thứ sáu diễn ra tại Pháp kể từ khi Dự luật Lao động được Chính phủ đưa ra tại phiên họp ngày 18/2 của Hội đồng Nhà nước.
Cuộc biểu tình được bốn tổ chức công đoàn gồm CGT, FO, Solidaires, FSU và ba hiệp hội học sinh, sinh viên gồm UNEF, UNL, FIDL khởi xướng.
Nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra. Tại Paris, cuộc biểu tình bắt đầu vào lúc 14 giờ tại quảng trường Cộng hòa đã trở nên đặc biệt căng thẳng khi đoàn người biểu tình đi đến quảng trường Quốc gia. Tại đây, hàng chục người đội mũ trùm đầu đã ném chai lọ, gạch, đá về phía cảnh sát buộc cảnh sát phải dùng lựu đạn cay để trấn áp những kẻ quá khích. Một nhóm người biểu tình cũng đã đập phá một trụ sở chi nhánh ngân hàng Société générale, do có dính líu tới vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama."
Theo Bộ Nội vụ Pháp, cảnh sát đã bắt giữ 26 người, 7 cảnh sát cũng đã bị thương trong các vụ đụng độ tại thành phố Rennes.
Bên cạnh các cuộc biểu tình vào ban ngày, thì kể từ ngày 31/3, đã diễn ra từ tối đến đêm nhiều cuộc tập hợp công dân dưới tên gọi "Biểu tình đêm" (Nuitsdebout) tại quảng trường Cộng hòa, Paris.
Các cuộc tập hợp này cho đến nay đã lan rộng ra 60 thành phố trên toàn nước Pháp và vượt qua không gian của việc phản đối Dự luật Lao động mà trở thành diễn đàn để người dân, đặc biệt là lớp trẻ bày tỏ sự bất bình trước cuộc sống bấp bênh, tương lai không đảm bảo.
Những người tham gia các cuộc tập hợp này thuộc nhiều đảng phải chính trị khác nhau nhưng đều có chung quan điểm là sự thất vọng và mất lòng tin trước các chính sách của chính phủ.
Liên quan đến Dự luật Lao động, trong các ngày từ 5-7/4, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã xem xét và chỉnh sửa dự luật. Tổng cộng, 1.000 chi tiết đã được đề nghị chỉnh sửa.
Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Bộ Lao động Myriam El Khomri cho rằng các ý kiến đóng góp tại Ủy ban đã làm cho dự luật trở nên "phong phú hơn" và "bảo vệ nhiều hơn quyền lợi của người lao động," đặc biệt trong các trường hợp sa thải nhân công khi doanh nghiệp gặp khó khăn kinh tế.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT), Philippe Martinez, thì cho rằng các sửa đổi chưa chạm đến nội dung cốt lõi của dự luật. Cụ thể, các quyền lợi của người lao động như số giờ làm việc tối đa, số ngày nghỉ, chế độ lương nghỉ phép, chi phí bồi thường khi sa thải vốn đã được luật hóa, nay được đưa vào dự luật như những vấn đề có thể đàm phán giữa chủ lao động và người làm thuê. Như vậy, có nghĩa là, mỗi doanh nghiệp có thể áp dụng Luật Lao động theo một cách riêng, nói cách khác trong mỗi doanh nghiệp tồn tại một bộ luật riêng. Chính vì vậy, người biểu tình kiên quyết yêu cầu Chính phủ rút lại dự luật.
Tình trạng căng thẳng vì Dự luật Lao động diễn ra hơn một tháng qua tại Pháp. Mặc dù Chính phủ Pháp đã công bố nhiều điểm sửa đổi trong dự luật sau các cuộc trao đổi trực tiếp với đại diện các tổ chức công đoàn và hiệp hội học sinh, sinh viên, và các phiên thảo luận tại Quốc hội, nhưng các cuộc biểu tình phản đối dự luật vẫn tiếp tục diễn ra.
Dự luật bị chỉ trích vì đã có những điều chỉnh có lợi cho giới chủ. Thủ tướng Pháp Manuel Valls và Bộ trưởng El Khomri cũng khẳng định nhiều lần rằng với việc sửa đổi Luật Lao động, Chính phủ muốn giới chủ linh hoạt hơn, khuyến khích các doanh nghiệp tăng tuyển dụng người lao động khi họ ít bị rằng buộc hơn bởi các khoản đóng góp và bồi thường cho người lao động.
Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn đã phản ứng lại và cho rằng các quy định cho phép doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân công là làm phương hại đến lợi ích của người lao động.
Do chưa đạt được các mục tiêu đề ra, các tổ chức công đoàn đã ấn định ngày biểu tình tiếp theo trên phạm vi toàn quốc vào ngày 28/4./.