15 thảm họa thiên tai có mức thiệt hại từ 1 tỷ USD trở lên

Từ Nam Phi đến Bắc Mỹ; từ châu Đại Dương và châu Á đến châu Âu, lũ lụt, bão tố và hỏa hoạn đã gây ra sự hỗn loạn và tàn phá hủy diệt.
15 thảm họa thiên tai có mức thiệt hại từ 1 tỷ USD trở lên ảnh 1Lửa cháy rừng bốc ngùn ngụt thiêu rụi nhiều ngôi nhà tại North Park, khu vực lân cận San Bernardino, bang California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo công bố ngày 27/12 của quỹ từ thiện Christian Aid, trong năm 2019 thế giới trải qua nhiều thảm họa thiên tai, và ít nhất 15 thảm họa trong số đó có thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD, thậm chí trong số này có tới 7 thảm họa có mức thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD.

Quỹ Christian Aid nhấn mạnh năm 2019 được coi là năm nóng thứ hai trong lịch sử, "thời tiết khắc nghiệt - một trong những hệ quả của biến đổi khí hậu - đã tấn công mọi nơi trên thế giới trong năm 2019. Từ Nam Phi đến Bắc Mỹ; từ châu Đại Dương và châu Á đến châu Âu, lũ lụt, bão tố và hỏa hoạn đã gây ra sự hỗn loạn và tàn phá hủy diệt."

Tổng hợp số liệu chính thức của các tổ chức phi chính phủ và cơ quan cứu trợ, cũng như các nghiên cứu khoa học và báo cáo truyền thông, quỹ từ thiện của Anh cho biết thảm họa thiên tai đã khiến hàng triệu người mất nhà ở và cướp đi sinh mạng của nhiều người trên thế giới trong năm 2019.

[300 triệu cư dân ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt thường xuyên]

Christian Aid nhấn mạnh: "Những con số thiệt hại có thể đã bị đánh giá thấp do chúng thường chỉ hiển thị các khoản tiền bảo hiểm và không phải lúc nào cũng tính đến các chi phí tài chính khác, chẳng hạn như năng suất bị mất đi và tổn thất không được bảo hiểm."

Cũng theo tổ chức từ thiện này, các thảm họa thiên tai có mức thiệt hại từ 10 tỷ USD trở lên trong năm qua có các trận lụt ở miền Bắc Ấn Độ, siêu bão Lekima ở Trung Quốc, bão Dorian ở Mỹ, lũ lụt ở Trung Quốc, các trận lũ lụt ở miền Trung Tây và Nam nước Mỹ, bão Hagibis ở Nhật Bản, cháy rừng ở bang California (Mỹ).

Riêng thảm họa cháy rừng California có mức thiệt hại lớn nhất lên tới 25 tỷ USD.

Theo Christian Aid, đa số các trường hợp tử vong do thiên tai là do các thảm họa ở Ấn Độ và miền Nam châu Phi. Quỹ này nhấn mạnh điều này phản ánh thực tế "người nghèo nhất thế giới phải trả giá đắt nhất cho hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu."

Christian Aid nhấn mạnh: "Nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,5 độ C trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 2-3 độ C vào cuối thế kỷ này. Khí hậu toàn cầu sẽ tiếp tục trở nên cực đoan hơn và mọi người trên khắp thế giới sẽ tiếp tục phải trả giá"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đàn Cò Ốc xuất hiện trên cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)

Bảo vệ đàn Cò Ốc quý hiếm xuất hiện tại Gia Lai

Những ngày qua, người dân xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai phản ánh về sự xuất hiện của đàn Cò Ốc (loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam) tại khu vực cánh đồng thuộc địa bàn xã.

Đồi cỏ tranh ngút ngàn ở xã vùng cao Pu Nhi

Đồi cỏ tranh ngút ngàn ở xã vùng cao Pu Nhi

Giữa không gian núi đồi hùng vỹ ngút ngàn, cỏ tranh phủ một màu trắng muốt, đung đưa theo làn gió tạo nên khung cảnh thơ mộng tại xã vùng cao Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên).

Tro bụi phun lên từ núi lửa Marapi ở Padang Panjang, Tây Sumatra, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Indonesia: Núi lửa Marapi phun tro bụi cao hơn 1.000 m

Từ đầu tháng 4 đến nay, Indonesia ghi nhận 9 vụ phun trào và 125 đợt phát thải từ núi lửa Marapi, theo đó cảnh báo người dân và khách du lịch không đi vào khu vực bán kính 3 km từ miệng núi lửa.