Ngày 19/7, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức buổi Họp báo phát động Chương trình “Bệ phóng Thương mại điện tử Tây Nguyên.”
Chương trình có mục tiêu đào tạo về thương mại điện tử chuyên sâu cho đối tượng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên; trở thành điểm khởi đầu cho những hoạt động hỗ trợ chuyên sâu từ phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kiến thức tới tư vấn, triển khai các hoạt động phát triển thương mại điện tử.
[Thương mại điện tử xuyên biên giới: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu]
Về phía đơn vị được giao tổ chức Chương trình, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (Ecomviet) thông tin: “Bệ phóng Thương mại điện tử Tây Nguyên” là chương trình khởi đầu cho mô hình đào tạo online to offline bao gồm chuỗi các hoạt động, sự kiện liên quan nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của khu vực.
Theo đó, chương trình sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 1.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên theo hình thức online. Diễn giả tham gia là các giảng viên, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp đối tác lớn, đã và đang cung cấp các nội dung đào tạo "thực chiến" về thương mại điện tử, có kinh nghiệm triển khai thực tiễn cũng như những bài học thực tế từ sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam cũng như quốc tế.
"Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là sự kiện kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa khu vực Tây Nguyên với lượng lớn các đơn vị cung cấp các dịch vụ, giải pháp về thương mại điện tử uy tín trên cả nước,” ông Thành nói.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong giai đoạn thế giới chống chọi với đại COVID-19 cùng rất nhiều bất ổn liên quan đến chính trị và đặc biệt việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy trầm trọng thì thương mại điện tử là một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm kinh tế toàn cầu.
Số liệu mới nhất của Amazon Global Selling cho thấy tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam trên nền tảng thương mại điện tử ở nhiều ngành, đặc biệt ngành Home Decor đã tăng tới gần 500% trong giai đoạn từ 2020-2021. Các sản phẩm được xuất khẩu từ Việt Nam thông qua nền tảng thương mại điện tử chủ yếu được sản xuất tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm được chế biến, sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương.
"Để thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh hơn và chuyên nghiệp hơn nữa trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẵn sàng phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức liên quan để triển khai các hoạt động đào tạo, kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc triển khai thương mại điện tử hiệu quả," ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh./.
Chương trình "Bệ phóng Thương mại điện tử Tây Nguyên" diễn ra từ trung tuần tháng 7 tới cuối tháng 8/2022. Bên cạnh các buổi đào tạo, tập huấn, Ban Tổ chức còn triển khai nhiều buổi tọa đàm liên quan đến các nội dung như: Xây dựng doanh nghiệp trên môi trường thương mại điện tử; sàn thương mại điện tử; nền tảng truyền thông trên mạng xã hội… Song song với toạ đàm, chương trình triển lãm, giới thiệu những giải pháp, nền tảng, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử được kỳ vọng đem tới những cơ hội kết nối giữa nhà cung cấp tới chính xác các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có nhu cầu phát triển thương mại điện tử. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đồng hành cùng 5 sở công thương các tỉnh Tây Nguyên và các đối tác: Công ty Cổ phần Công nghệ Ladipage Việt Nam, Học Viện thực chiến Dc Uni, Anneco Group, Công ty Cổ phần Khoa học dữ liệu - Metric tổ chức chương trình “Bệ phóng Thương mại điện tử Tây Nguyên 2022” nhằm tạo sức lan toả lớn, đem lại những giá trị và hiệu ứng tích cực. |