2011-2012: Thời gian thử thách gay go của châu Âu

Theo dự báo, năm 2011-2012 có thể coi là thời gian thử thách gay go nhất với số phận đồng euro nói riêng và tương lai EU nói chung,

Hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại là Bồ Đào Nha, Bỉ và Tây Ban Nha có thể đi theo "vết xe đổ" khủng hoảng như Hy Lạp, Ireland vào thời gian tới, vì các nước này đang ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách rất lớn, kinh tế suy thoái và nạn thất nghiệp cao.
Trong bản tin đêm 19/12, Đài RFI đã điểm lại tình hình trong năm 2010 và những bài học đối với châu Âu khi phải đương đầu với những khó khăn tài chính nghiêm trọng của Hy Lạp và Ireland, trong khi châu lục này còn chưa khắc phục xong hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu.

Đài RFI cũng đưa ra dự báo tình hình chung của châu Âu trong hai năm tới, nhấn mạnh điều cốt yếu là phải tìm ra những biện pháp khả thi để ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Hai năm 2011 và 2012 có thể coi là thời gian thử thách gay go nhất đối với số phận đồng euro nói riêng và tương lai của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, vì Pháp và Đức, hai đầu tàu kinh tế và chính trị của khối, bước vào các năm chuẩn bị tranh cử các chức vụ quan trọng nhất là tổng thống và quốc hội.

Hiện nay, nhiều giới lo ngại là Bồ Đào Nha, Bỉ và Tây Ban Nha có thể đi theo "vết xe đổ" khủng hoảng như Hy Lạp, Ireland vào thời gian tới, vì các nước này đang ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách rất lớn, kinh tế suy thoái và nạn thất nghiệp cao. Trong đó đáng lo ngại nhất là Tây Ban Nha, một nước lớn và khá đông dân trong Khu vực đồng euro.

Chính vì thế, các nước thành viên và cơ quan có trách nhiệm của EU đang tranh luận gay gắt về những giải pháp khả thi để giải quyết các trường hợp có thể xẩy ra và cũng để ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Lúc này chính là thời gian các nước thành viên EU, đặc biệt là hai đầu tàu Pháp-Đức, cần phải điều chỉnh, sửa chữa các khuyết điểm, khuyết tật của đồng euro và cơ cấu của EU.

Nói cách khác, các thành viên của EU, đặc biệt là các nước trong Khu vực đồng euro, đang phải tiến hành song song hai lĩnh vực chính, đó là trước mắt tỉnh táo, vững vàng và rộng lượng giúp một số nước thành viên đang gặp khó khăn về tài chính để chính quyền các nước này lấy lại niềm tin với người dân, qua đó giúp kinh tế dần khôi phục trở lại và đồng euro cũng được tin cậy và xã hội được ổn định.

Bên cạnh đó, các giới giữ trọng trách của EU cũng phải tìm ra được những mô thức mới trong việc tổ chức, các quyết sách nhằm ngăn ngừa hữu hiệu việc tái diễn những trường hợp khủng hoảng. Nghĩa là phải tiến từng bước tới có chung một chính sách về kinh tế, ngân sách, thuế khóa giữa các nước trong Khu vực đồng euro.

Đề cập tương lai khu vực đồng euro, Đài RFI nhấn mạnh muốn dự báo về đồng euro thì cần phải hiểu rõ mặt mạnh, mặt yếu và vai trò hiện nay của EU ở ngay trong EU và trên thế giới.

Theo đài này, thành công lớn nhất của EU là sau hơn nửa thế kỷ, từ một đống tro tàn và thù hận nhau, nay EU đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với 27 nước thành viên, với một thị trường chung của gần nửa tỷ người.

Từ vài năm nay, EU đã có một Hiến pháp chung, Quốc hội EU được mở rộng quyền hành hơn, vai trò của các cơ quan trung ương của EU cũng được nâng cao hơn và bắt đầu có một bộ trưởng ngoại giao chung.

Hiện nay EU đang có vị thế quan trọng trong chính trị, ngoại giao, kinh tế và tài chính trên thế giới. Đồng euro dù mới ra đời, nhưng đang trở thành đồng tiền có uy tín trong giao dịch thương mại quốc tế. Khi mới ra đời năm 2002, một đồng euro chỉ bằng khoảng 0,8 USD, nay đã lên trên 1,30 USD.

Xét về nhiều phương diện từ ý thức hệ đến chính trị và kinh tế, EU có nhiều ưu thế hơn một số khu vực khác, hoặc cường quốc kinh tế khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Nhiều nước trong EU có công nghiệp cao và tiềm năng tài chính lớn có đủ sức cạnh tranh thành công với các khu vực khác.

Đa số gần nửa tỷ người trong EU có mức sống cao, được hưởng phúc lợi và các quyền tự do căn bản. Đối với nhiều nước trên thế giới, EU trở thành một mẫu mực về nhiều khía cạnh. Vì thế sự tồn tại và vững vàng của đồng euro là một mong muốn của đa số người dân châu Âu và cũng là nhu cầu quan trọng không chỉ trong EU, mà cả của nhiều khu vực khác trên thế giới.

Toàn cầu hóa đã trải qua khoảng 2 thập niên được coi là một tiến trình không thể đảo ngược vì các liên hệ kinh tế-tài chính và truyền thông điện tử giữa các nước và giữa các khu vực ngày càng mật thiết. Đang hình thành các trung tâm quyền lực mới về kinh tế-tài chính, ngoài siêu cường quân sự Mỹ. Trong đó EU là một trung tâm quan trọng nhờ vai trò kinh tế-tài chính và ngoại giao, trong đó đồng euro đóng một vai trò quan trọng.

Nếu cân nhắc các mặt trên đây, người ta có quyền lạc quan về vai trò của EU và đồng euro đang có trong tiến trình hòa bình, dân chủ, tự do và phú cường ở châu Âu và trên thế giới. Vì thế hoàn toàn có quyền hi vọng là những chính khách của EU sẽ sáng suốt thấy rõ sứ mạng và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết thành công các khó khăn của đồng euro. Kết quả Hội nghị cấp cao EU trong hai ngày 16-17/12 vừa qua ở Brussels đã cho thấy hướng đi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục