Tóc cháy vàng, nước mũi ròng ròng, những đứa trẻ ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phong phanh trong cái rét cứa da thịt của gió đổi mùa. Cái ăn còn không đủ, cha mẹ chúng đành trông đợi những chuyến hàng cứu trợ để con họ có manh áo ấm, dù là cũ.
Sau trận mưa đêm trái mùa, con đường dẫn vào các xã Tùng Lộc, Phúc Lộc, Thuần Thiện, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh trơn như đổ mỡ. Chiếc xe máy cũ kỹ của chúng tôi thi thoảng lại đổ nghiêng xuống sát mặt đất ngầu bùn đỏ.
Nhưng, cũng trên con đường lở lói ấy, ngay bên cạnh chúng tôi, lũ trẻ nghèo các xóm từ cả tháng nay vẫn cứ trần mình, chân bám đất đến trường để nhặt lại về cho mình những con chữ bị lũ cuốn trôi.
Nguyễn Thị Lan (học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Đặng Dung) mặc độc một áo sơ mi cũ vốn màu trắng nhưng ngả sang màu lờ nhờ của đất. Khuôn mặt Lan hốc hác trong lạnh, vừa đi, em vừa co ro, thỉnh thoảng rúm người lại khi có cơn gió thổi qua. Đằng sau lưng, chiếc balô cũ mềm trĩu xuống, hai quai được thay bằng đoạn dây nilông đỏ.
Trường Trung học cơ sở Đặng Dung, xã Tùng Lộc nằm trong vùng trũng nhất của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Vì thế, sau hai trận lũ lịch sử vừa qua, đây cũng là một trong những điểm trường chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ngồi trong căn nhà tập thể đã ọp ẹp vì phải ngâm trong nước quá lâu, thầy giáo Nguyễn Hữu Cường tâm sự: "Phần đông con em xã Tùng Lộc đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau lũ, hoa màu trôi hết, cha mẹ các em lại phải bươn bải ra Bắc, vào Nam làm thuê kiếm tiền. Nhà chỉ còn ông bà già và trẻ con. Có những hôm trời mưa, học sinh đầu trần đến lớp, trên người độc một chiếc áo đã rách bươm, chúng tôi không cầm lòng được."
Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Sơn, huyện Can Lộc Nguyễn Danh Tình những ngày này cũng không giấu nổi niềm ưu tư khi nhìn đám học trò nghèo ngày ngày đến lớp. Mặc dù trời đã trở rét, người lớn mặc ba áo mà vẫn bị gió thổi rùng mình, nhưng rất nhiều học sinh vẫn không kiếm nổi chiếc áo ấm khoác lên người.
“Sau lũ, nhà cửa, hoa màu đều bị trôi hết, gia đình các em lo ăn còn chưa xong, việc đưa được con đến trường với họ đã là cả một kỳ tích nên chẳng mấy ai chú ý đến quần áo của các cháu,” thầy Tình vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
Thế mới có chuyện, khi các thầy cô giáo Trường tiểu học Nam Sơn kiểm tra thì đắng lòng vì thấy có em phải chân đất dầm mưa tới trường, còn quần áo em thì đứt cúc, em rách tứ tung và còn mốc xanh mốc đỏ. Có em, sau lũ, còn không dám đến trường vì chẳng còn bộ quần áo nào lành để mặc.
Càng đi sâu vào những vùng bị ngập nặng nhất nhì của huyện rốn lũ Can Lộc, chúng tôi càng thấy tái lòng. Tại điểm chính trường mầm non bán công Xuân Lộc (xã Xuân Lộc), sau trận ngập nhiều trang thiết bị dạy học bị hỏng, chăn màn cho các cháu cũng bị mục hết. Cô hiệu trưởng Phạm Thị Hằng buồn bã kể lại: "Mỗi khi nhìn đám trẻ líu ríu ôm nhau ngủ, trên người chỉ là những chiếc áo cũ mỏng manh chúng tôi rất thương nhưng lại không đành lòng yêu cầu phụ huynh đóng góp."
Phía dãy 8 lớp học ngoài sân, sau gần một tháng lũ rút, bùn vẫn còn nhiều tạo thành một lớp dày, loãng. Học sinh đến trường toàn đi chân đất, lội bì bõm, quần áo ướt nhoèn. Đôi chân trần của em Xuân Mai đã bị tím bầm, nứt nẻ vì ngày ngày lội bùn tới lớp. Bên cạnh Mai, cháu Võ Thị Quỳnh Như vẫn chỉ có độc một bộ quần áo cộc để đến trường. Ngồi ăn giữa khoảnh sân lộng gió, thỉnh thoảng, Như lại rùng mình vì rét. Giọng mếu máo, cháu kể, "cả nhà chỉ còn mấy bộ ni, quần áo mùa đông trôi hết rồi."
Có bé, may mắn nhận được chiếc áo len cứu trợ vừa với mình như em Lê Văn Thanh, nhưng lại phải mặc cả quần đùi của anh trai 12 tuổi dài hơn cả chiếc quần dạ lửng bên ngoài để chống rét.
Cô Hằng bảo, nhiều lúc nhìn học trò như vậy, các cô cũng muốn góp tiền mua cho các em tấm áo. “Nhưng chừ lo ăn, lo dạy còn chưa đủ, học sinh lại đông [344 cháu – PV] nên các cô cũng chẳng làm chi được.”
Nói không đâu xa, ngay tại điểm trường chỉ cách trung tâm huyện 6km này, nhưng chuyện lo giấc ngủ cho các cháu đã là quá sức đối với 31 cô giáo.
“Ngày lũ về, do trong trường nỏ [không] có đàn ông, nên chị em chỉ chạy lụt được máy móc và gạo. Toàn bộ chăn gối của các cháu bị ngập hết trơn,” cô Hằng than thở.
Sau khi nước rút, toàn bộ chăn màn đã bị bùn phủ kín. Nhưng do không còn nguồn nào hỗ trợ, các cô phải giặt, phơi lại cho các em dùng tạm. Cho đến tận bây giờ, các em vẫn ngủ trên những chiếc gối đã cũ nát, có cháu không có cả gối, chăn.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại hầu hết các điểm trường mầm non khác của huyện Can Lộc.
“Giờ, chúng tôi chỉ mong các nhà hảo tâm hỗ trợ các cháu chăn đắp, áo mặc để qua mùa đông là đáng quý nhất,” cô Hằng tha thiết nhắc đến học trò mà chẳng nhớ rằng ngày mai, 20/11, là ngày lễ của các thầy cô./.
Sau trận mưa đêm trái mùa, con đường dẫn vào các xã Tùng Lộc, Phúc Lộc, Thuần Thiện, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh trơn như đổ mỡ. Chiếc xe máy cũ kỹ của chúng tôi thi thoảng lại đổ nghiêng xuống sát mặt đất ngầu bùn đỏ.
Nhưng, cũng trên con đường lở lói ấy, ngay bên cạnh chúng tôi, lũ trẻ nghèo các xóm từ cả tháng nay vẫn cứ trần mình, chân bám đất đến trường để nhặt lại về cho mình những con chữ bị lũ cuốn trôi.
Nguyễn Thị Lan (học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Đặng Dung) mặc độc một áo sơ mi cũ vốn màu trắng nhưng ngả sang màu lờ nhờ của đất. Khuôn mặt Lan hốc hác trong lạnh, vừa đi, em vừa co ro, thỉnh thoảng rúm người lại khi có cơn gió thổi qua. Đằng sau lưng, chiếc balô cũ mềm trĩu xuống, hai quai được thay bằng đoạn dây nilông đỏ.
Trường Trung học cơ sở Đặng Dung, xã Tùng Lộc nằm trong vùng trũng nhất của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Vì thế, sau hai trận lũ lịch sử vừa qua, đây cũng là một trong những điểm trường chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ngồi trong căn nhà tập thể đã ọp ẹp vì phải ngâm trong nước quá lâu, thầy giáo Nguyễn Hữu Cường tâm sự: "Phần đông con em xã Tùng Lộc đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau lũ, hoa màu trôi hết, cha mẹ các em lại phải bươn bải ra Bắc, vào Nam làm thuê kiếm tiền. Nhà chỉ còn ông bà già và trẻ con. Có những hôm trời mưa, học sinh đầu trần đến lớp, trên người độc một chiếc áo đã rách bươm, chúng tôi không cầm lòng được."
Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Sơn, huyện Can Lộc Nguyễn Danh Tình những ngày này cũng không giấu nổi niềm ưu tư khi nhìn đám học trò nghèo ngày ngày đến lớp. Mặc dù trời đã trở rét, người lớn mặc ba áo mà vẫn bị gió thổi rùng mình, nhưng rất nhiều học sinh vẫn không kiếm nổi chiếc áo ấm khoác lên người.
“Sau lũ, nhà cửa, hoa màu đều bị trôi hết, gia đình các em lo ăn còn chưa xong, việc đưa được con đến trường với họ đã là cả một kỳ tích nên chẳng mấy ai chú ý đến quần áo của các cháu,” thầy Tình vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
Thế mới có chuyện, khi các thầy cô giáo Trường tiểu học Nam Sơn kiểm tra thì đắng lòng vì thấy có em phải chân đất dầm mưa tới trường, còn quần áo em thì đứt cúc, em rách tứ tung và còn mốc xanh mốc đỏ. Có em, sau lũ, còn không dám đến trường vì chẳng còn bộ quần áo nào lành để mặc.
Càng đi sâu vào những vùng bị ngập nặng nhất nhì của huyện rốn lũ Can Lộc, chúng tôi càng thấy tái lòng. Tại điểm chính trường mầm non bán công Xuân Lộc (xã Xuân Lộc), sau trận ngập nhiều trang thiết bị dạy học bị hỏng, chăn màn cho các cháu cũng bị mục hết. Cô hiệu trưởng Phạm Thị Hằng buồn bã kể lại: "Mỗi khi nhìn đám trẻ líu ríu ôm nhau ngủ, trên người chỉ là những chiếc áo cũ mỏng manh chúng tôi rất thương nhưng lại không đành lòng yêu cầu phụ huynh đóng góp."
Phía dãy 8 lớp học ngoài sân, sau gần một tháng lũ rút, bùn vẫn còn nhiều tạo thành một lớp dày, loãng. Học sinh đến trường toàn đi chân đất, lội bì bõm, quần áo ướt nhoèn. Đôi chân trần của em Xuân Mai đã bị tím bầm, nứt nẻ vì ngày ngày lội bùn tới lớp. Bên cạnh Mai, cháu Võ Thị Quỳnh Như vẫn chỉ có độc một bộ quần áo cộc để đến trường. Ngồi ăn giữa khoảnh sân lộng gió, thỉnh thoảng, Như lại rùng mình vì rét. Giọng mếu máo, cháu kể, "cả nhà chỉ còn mấy bộ ni, quần áo mùa đông trôi hết rồi."
Có bé, may mắn nhận được chiếc áo len cứu trợ vừa với mình như em Lê Văn Thanh, nhưng lại phải mặc cả quần đùi của anh trai 12 tuổi dài hơn cả chiếc quần dạ lửng bên ngoài để chống rét.
Cô Hằng bảo, nhiều lúc nhìn học trò như vậy, các cô cũng muốn góp tiền mua cho các em tấm áo. “Nhưng chừ lo ăn, lo dạy còn chưa đủ, học sinh lại đông [344 cháu – PV] nên các cô cũng chẳng làm chi được.”
Nói không đâu xa, ngay tại điểm trường chỉ cách trung tâm huyện 6km này, nhưng chuyện lo giấc ngủ cho các cháu đã là quá sức đối với 31 cô giáo.
“Ngày lũ về, do trong trường nỏ [không] có đàn ông, nên chị em chỉ chạy lụt được máy móc và gạo. Toàn bộ chăn gối của các cháu bị ngập hết trơn,” cô Hằng than thở.
Sau khi nước rút, toàn bộ chăn màn đã bị bùn phủ kín. Nhưng do không còn nguồn nào hỗ trợ, các cô phải giặt, phơi lại cho các em dùng tạm. Cho đến tận bây giờ, các em vẫn ngủ trên những chiếc gối đã cũ nát, có cháu không có cả gối, chăn.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại hầu hết các điểm trường mầm non khác của huyện Can Lộc.
“Giờ, chúng tôi chỉ mong các nhà hảo tâm hỗ trợ các cháu chăn đắp, áo mặc để qua mùa đông là đáng quý nhất,” cô Hằng tha thiết nhắc đến học trò mà chẳng nhớ rằng ngày mai, 20/11, là ngày lễ của các thầy cô./.
Sơn Bách (Vietnam+)