Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 với chủ đề “Du lịch Di sản” (Heritage Tourism) sắp khởi động với một chuỗi các hoạt động được tổ chức xuyên suốt cả năm, nhằm quảng bá điểm đến cho du lịch quốc gia và thu hút du khách quốc tế, thúc đẩy du lịch nội địa.
Du lịch nội “thăng hoa”… Việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 nhằm khẳng định thế mạnh của du lịch Việt Nam. Tập trung nhiều các di sản thế giới, di tích quốc gia, lễ hội đặc sắc, các sản phẩm du lịch về biển chính là yếu tố có giá trị đặc biệt để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch đến miền Trung và Việt Nam. Theo đó, các sự kiện sẽ tập trung cao điểm vào các tháng 1, 2, 4 với Lễ hội đầu Xuân và Festival Huế 2012, tháng 6-7 với mùa du lịch hè và những tháng cuối năm sẽ kết thúc Năm Du lịch quốc gia trên địa bàn chính là tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội… Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng nói. Có thể nói, năm 2012 thực sự sẽ là năm “thăng hoa” của du lịch nội địa với 31 hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội lớn mừng năm Du lịch quốc gia được triển khai trên khắp cả nước. Đặc biệt, Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 gắn với Festival Huế 2012 là một sự kiện văn hóa có tầm quốc gia và quốc tế, sẽ giới thiệu, quảng bá với bạn bè thế giới về những giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó Thừa Thiên Huế là đại diện tinh hoa của các tỉnh trong vùng, nơi đăng cai tổ chức các sự kiện quan trọng. Qua sự kiện này, hợp tác hữu nghị với các quốc gia cũng như vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sẽ có cơ hội được mở rộng và nâng tầm. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết du lịch giữa các địa phương trong cả nước, giữa Việt Nam và các quốc gia khác nhằm phát huy những thế mạnh, tiềm năng thu hút các nguồn đầu tư để phát triển du lịch. … Bằng các yếu tố mới Lãnh đạo của ngành Du lịch khẳng định, một số sản phẩm du lịch có thương hiệu quốc gia và quốc tế sẽ được tập trung xây dựng trong năm 2012. Trong số này, các sản phẩm nhằm kết nối tuyến các kinh đô cổ Việt Nam, các di sản văn hóa khu vực Trung bộ với các điểm đến trong nước và khu vực có lượng khách quốc tế lớn sẽ được ưu tiên phát triển. Ngoài ra, các địa phương trong vùng còn liên kết đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc có chất lượng cao. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế là tỉnh được quan tâm hàng đầu trong kế hoạch phát triển “Du lịch Di sản,” là trung tâm của ngành du lịch nội địa năm nay. Ông Phan Tiến Dũng khẳng định sẽ khai thác các tài nguyên du lịch mới bằng việc tập trung vào dòng sản phẩm như: Lễ hội độc đáo (Vật làng Sình, Vật làng Thủ Lễ…); Du lịch văn hóa tâm linh (hệ thống chùa Huế, Thiền viện Trúc Lâm-Bạch Mã, Trung tâm văn hóa Huyền Trân…) bên cạnh việc liên kết khai thác các sản phẩm du lịch di sản văn hóa, hang động truyền thống. Du lịch dựa trên quá trình sản xuất thủ công truyền thống ở các làng cổ cũng sẽ được quan tâm như: làng cổ Phước Tích, Bao La, Thanh Tiên, Thủy Thanh… Bên cạnh đó, du lịch kết hợp chữa bệnh tại các khu nước khoáng, các loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc ít người, hay du lịch gắn với nghệ thuật ẩm thực cung đình, dân gian cũng là các sản phẩm du lịch được nhắm đến trong năm 2012 của Thừa Thiên Huế. Tập trung phát triển du lịch biển và đầm phá với các dòng sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới như lễ hội Cầu Ngư, tham quan thắng cảnh biển vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai-Thủy Tú-An Cư, biển Lăng Cô, Thuận An… và các khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước; xây dựng sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển cũng nằm trong chiến lược của lãnh đạo tỉnh nhà. “Để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2012, tỉnh Thừa Thiên Huế đang gấp rút đầu tư chỉnh trang đô thị, tập trung các nguồn lực vào xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, trùng tu các di tích quan trọng nhằm mở rộng phạm vi tham quan,” ông Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cho hay.
11 chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo hoặc phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tại Huế: Duyên dáng Việt Nam năm 2012; Giải Việt dã Báo Tiền phong; Doanh nhân Việt Nam với văn hóa, di sản dân tộc lần thứ nhất; Liên hoan ẩm thực miền Trung; Sao Mai điểm hẹn 2012; Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam; Giải Cờ vua Quốc tế Đông Nam Á; Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc; Giải Võ cổ truyền toàn quốc; Giải Quần vợt quốc tế U18; Liên hoan hợp xướng quốc tế lần thứ II tại Việt Nam. 9 hoạt động do Thừa Thiên Huế tổ chức: Khởi động Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ-Huế 2012; Khai mạc Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2012; Lễ hội Phật Đản và Lễ hội hoa đăng Huế 2012; Khám phá biển và đầm phá Thừa Thiên Huế (với ba hoạt động lớn); Lễ hội Điện Huệ Nam; Chương trình khai thác sản phẩm du lịch trong mưa. 11 hoạt động do các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức: Lễ hội Cố Đô Hoa Lư; Thi bắn pháo hoa quốc tế; Lễ hội Quảng Trị-Ký ức tháng tư; Đón nhận danh hiệu Di sản thế giới của Thành nhà Hồ; Lễ hội Làng Sen Nghệ An; Tháng Du lịch khám phá hang động Việt nam-Quảng Bình 2012; Lễ hội Bài ca Đồng Lộc anh hùng; Lễ hội Văn hóa, Du lịch Nhịp cầu xuyên Á lần III kết hợp tổ chức Hội thảo Du lịch quốc tế hành lang Đông Tây; Lễ hội Lam Kinh; Lễ hội Đêm phố cổ Hội An; Kỷ niệm 247 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. |
Xuân Mai (Vietnam+)