2017 là một năm đầy khó khăn với Mexico khiến GDP tăng trưởng thấp

Với hàng loạt các biến cố về kinh tế-xã hội, thiên tai cũng như những tác động xấu từ bên ngoài, năm 2017 là một năm đầy khó khăn với Mexico, khiến GDP tăng trưởng chỉ ước đạt 2,1%.
2017 là một năm đầy khó khăn với Mexico khiến GDP tăng trưởng thấp ảnh 1Công nhân của các nhà máy tại một khu công nghiệp ở Tijuana, Mexico. (Nguồn: Reuters)

Với hàng loạt các biến cố về kinh tế-xã hội, thiên tai cũng như những tác động xấu từ bên ngoài, năm 2017 là một năm đầy khó khăn đối với Mexico, khiến GDP của quốc gia này tăng trưởng ước đạt 2,1%, thấp hơn nhiều so với tiềm năng.

Ngay từ đầu năm, với việc tự do hóa thị trường nhiên liệu, giá xăng dầu, khí đốt và điện đã tăng 12% kéo theo sự lên giá của các mặt hàng nhu yếu phẩm, cùng với đó là sự mất giá của đồng nội tệ peso khiến tỷ lệ lạm phát tăng mạnh.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lạm phát của Mexico trong tháng 11/2017 đạt 6,63%, mức cao kỷ lục kể từ năm 2001 và cao gấp 2 lần so với mục tiêu 3,0% +/- 1điểm phần trăm của Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico).

Dự kiến, tỷ lệ lạm phát của Mexico kết thúc năm 2017 sẽ ở mức 6,75%.

Trước tình hình Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục leo thang, Banxico đã buộc phải liên tục tăng lãi suất cơ bản (hiện ở mức cao lịch sử 7,25%) nhằm kìm chế lạm phát.

Năm 2017 có thể nói là một năm bản lề đối với chính trường Mexico khi các đảng phái chính trị cố gắng khẳng định vai trò của mình trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 7/2018.

Mặc dù giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng Sáu tại bang Estado de Mexico, bang quan trọng nhất với 16 triệu cử tri của Mexico, đảng Cách mạng Thể chế (PRI) cầm quyền của Tổng thống Enrique Pena Nieto vẫn gặp đối mặt với nhiều thách thức cho mục tiêu tranh cử vào năm 2018.

Năm 2017 là năm PRI vướng hàng loạt các buộc, trong khi các thành viên của đảng giữ vị trí thống đốc của một số bang cũng dính án tham nhũng.

Ngoài ra, hình ảnh của PRI cũng bị ảnh hưởng sau một năm cầm quyền không mấy thuận lợi khi tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, với việc ba thị trưởng, 12 nhà báo và 23.101 công dân bị sát hại; kinh tế tăng trưởng thấp và tỷ lệ lạm phát tăng cao so với kế hoạch đề ra.

Hiện tại, các đảng chính trị tại Mexico đã hình thành ba liên minh tranh cử cho năm 2018, gồm các liên minh PRI-PVEM (Đảng Xanh)-AN (đảng Liên minh mới) với ứng cử viên tổng thống cho cuộc đua năm 2018 là cựu Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công, Jose Antonio Meade Jose Antonio Meade; Morena (đảng Phong tráo tái thiết quốc gia)- PES (đảng Gặp gỡ xã hội)-PT (đảng Lao động), với ứng cử viên Andrés Manuel Lopez Obrador và PAN (đảng Hành động quốc gia)-MC (đảng Phong trào công dân)-PRD (đảng Cách mạng dân chủ), với ứng cử viên Ricardo Anaya.

Bên cạnh những bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội, Mexico cũng trải qua một năm hứng chịu hàng loạt thiên tai thảm khốc; trong đó có ba siêu bão Lidia, Katia và Max và 4 trận động đất mạnh, gây thiệt hại to lớn về người và vật chất.

Chỉ riêng hai trận động đất mạnh 8,1 độ Richter và 7,1 độ Richter xảy ra vào ngày 9/9 và 23/9 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 435 người và thiệt hại vật chất ước tính gần 10 tỷ USD.

Ngoài ra, chính trị, kinh tế và xã hội Mexico trong năm 2017 cũng chịu nhiều tác động xấu từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Quan hệ giữa Mexico và Mỹ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức được đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử quan hệ hai nước.

Ngay từ khi vận động tranh cử, ông Donald Trump đã đưa ra những đề xuất mang tính đe dọa đến nền kinh tế Mexico như đánh thuế cao đối với hàng hóa Mexico, trục xuất hàng triệu người Mexico nhập cư trái phép vào Mỹ và buộc Mexico phải thanh toán dự án xây bức tường biên giới chung.

2017 là một năm đầy khó khăn với Mexico khiến GDP tăng trưởng thấp ảnh 2(Nguồn: Reuters)

Cùng với đó, việc tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mexico, Mỹ và Canada) theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump cũng khiến kinh tế Mexico đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, đã trở thành nền tảng trong mọi chính sách kinh tế của Mexico, bởi vậy tương lai bất ổn của NAFTA sẽ khiến kinh tế Mexico gặp nhiểu rủi ro.

Cùng với NAFTA, kế hoạch cải cách thuế quan của Mỹ, trong đó có việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng đem lại những rủi ro đối với nền kinh tế Mexico, là một “cú sốc” đối với khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mexico cũng như việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI).

Các cơ quan tài chính đánh giá cải cách thuế quan của Mỹ sẽ có thể tạo ra một làn sóng thoái vốn đầu tư khoảng 9-11 tỷ USD ở Mexico và khiến tăng trưởng của nền kinh tế đứng thứ 2 Mỹ Latinh trong năm 2018 giảm xuống còn 1,9%.

Trong khi đó, Viện Kế toán công Mexico dự báo cải cách thuế quan của Mỹ sẽ cản trở các dự án đầu tư của doanh nghiệp Mỹ ở Mexico, ước tính lên đến 2,6 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, việc giảm thuế thu nhập sẽ giúp các doanh nghiệp Mỹ trở lên hấp dẫn hơn các công ty tại Mexico và Chính phủ Mexico hiện chưa có một chính sách hay công cụ để giải quyết vấn đề này.

Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mexico hiện là 30%, cộng thêm 10% cổ tức, dẫn tới mức thuế mà các doanh nghiệp phải đóng lên đến 37%.

Trong trường hợp đề xuất của ông Donald Trump được Quốc hội Mỹ thông qua, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ sẽ giảm từ 35% hiện nay xuống 20%.

Sự chênh lệch tới 17 điểm phần trăm sẽ khiến khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư vào Mexico giảm mạnh so với Mỹ.

Kinh tế Mexico phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, với 81% xuất khẩu sang thị trường Mỹ và 46% nhập khẩu từ Mỹ. Do vậy, bất kỳ một thay đổi về chính sách kinh tế, tài chính của Mỹ cũng tác động tới Mexico.

Trước sự bất ổn của NAFTA và mục tiêu giảm phụ thuộc vào Mỹ, Chính phủ Mexico đã tăng cường chiến lược đa dạng hóa thị trường nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặt trọng tâm vào Liên minh châu Âu (EU), châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Mỹ Latinh (trong đó có Brazil và Argentina).

Các chuyên gia đánh giá, trong trường hợp NAFTA đổ vỡ, kinh tế Mexico sẽ chịu tác động xấu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một cơ hội để Mexico thúc đẩy tiềm năng nội lực và đa dạng hóa thị trường.

Năm 2017 sắp khép lại. Tuy nhiên, chờ đợi Mexico trong năm 2018 vẫn là những khó khăn tiếp diễn, với tương lai bất ổn của NAFTA (dự kiến các bên sẽ kết thúc đàm phán vào tháng 3/2018), tác động xấu đằng sau cải cách thuế quan của Mỹ và các xáo trộn do cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục