2020 báo trước kỷ nguyên mới về tăng trưởng số của Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào các dịch vụ số, không chỉ trong các lĩnh vực như thương mại điện tử mà còn trong các lĩnh vực đang nổi lên như công nghệ y tế và giáo dục.
2020 báo trước kỷ nguyên mới về tăng trưởng số của Đông Nam Á ảnh 1(Nguồn: scotsbridge.net)

Bài phân tích trên báo The Business Times (Singapore) đánh giá khi đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 bùng phát, người dân ở khu vực Đông Nam Á đã sử dụng công nghệ với tốc độ nhanh hơn và theo nhiều cách thức hơn bao giờ hết.

Họ đã cho thấy vai trò của một nền kinh tế số hùng mạnh, bao trùm trong sự thành công và thịnh vượng dài hạn của khu vực.

Theo báo cáo về kinh tế số khu vực Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek and Bain & Company được công bố ngày 10/11, 40 triệu người trên toàn khu vực đã kết nối Internet lần đầu tiên trong năm nay, so với 10 triệu người vào năm 2019 và 100 triệu từ năm 2015 đến năm 2019.

Khi dịch bệnh bắt đầu đe dọa đến sức khỏe của người dân và làm gián đoạn cuộc sống của họ, người dân khu vực Đông Nam Á đã sử dụng các dịch vụ trực tuyến để mua sắm, thanh toán, tìm hiểu thông tin, giáo dục và giải trí; 80% số người được hỏi nói rằng công nghệ đã giúp ích cho họ trong cuộc khủng hoảng này.

Trong số những người đã bắt đầu sử dụng hình thức dịch vụ số mới này do dịch bệnh có đến 90% có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ đó sau khi dịch bệnh qua đi. Điều đó cho thấy một câu chuyện lớn hơn đằng sau những con số này.

[Bất chấp dịch bệnh, nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam tăng trưởng 16%]

Đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế lớn nhất trong cả một thế hệ, việc gia tăng sử dụng các dịch vụ trực tuyến này là sự thay đổi sâu sắc nhất mà chúng ta từng chứng kiến kể từ khi Google, Temasek and Bain & Company công bố báo cáo về kinh tế số lần đầu tiên năm 2016.

Điều đó có nghĩa là bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụp đổ của đi lại hàng không, kinh tế Internet khu vực đã phát triển mạnh mẽ với tổng giá trị hàng hóa đạt 100 tỷ USD.

Điều đó cũng cho thấy một nền tảng Internet có mục tiêu và bao trùm hơn đang được định hình.

Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào các dịch vụ số, không chỉ trong các lĩnh vực như thương mại điện tử mà còn trong các lĩnh vực đang nổi lên như công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.

Đáng chú ý là hơn một nửa số người sử dụng dịch vụ số mới sống bên ngoài các thành phố lớn - một dấu hiệu đáng khích lệ của sự tiến bộ đối với việc phân chia kỹ thuật số theo địa lý của khu vực.

Theo nhiều cách thức, 2020 là năm đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và mở ra một kỷ nguyên mới về tăng trưởng số của khu vực Đông Nam Á.

Khi đạt tới giá trị dự kiến là 300 tỷ USD vào năm 2025, kinh tế Internet có thể là động cơ của những cơ hội, giúp tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ tốt hơn và giải quyết những thách thức về xã hội và kinh tế.

Hành động phối hợp

Tuy nhiên, sự tiến bộ này sẽ không thể tự nó có được mà cần có hành động phối hợp và điều phối.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, các chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự cần phải làm việc cùng nhau để giải quyết bốn ưu tiên cấp bách để khai thác được đầy đủ tiềm năng của kinh tế số.

Thứ nhất, trong khi khu vực đang phải tiếp tục vật lộn với tác động của dịch bệnh COVID-19, tất cả các quốc gia Đông Nam Á cần đưa vấn đề đào tạo kỹ năng và tạo công ăn việc làm vào trung tâm của các kế hoạch phục hồi kinh tế.

Dịch bệnh đã nâng cao tầm quan trọng của công nghệ trong hầu hết mọi ngành nghề, song nếu không có khả năng sử dụng thậm chí là những công cụ số cơ bản nhất, người lao động sẽ bỏ lỡ việc làm và cơ hội.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, báo cáo nhận thấy thiếu tài năng số vẫn là rào cản dai dẳng đối với tăng trưởng.

Các chương trình như Skills Ignition ở Singapore và Saphan Digital ở Thái Lan, tập hợp các liên minh gồm các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp để cung cấp đào tạo và vị trí làm việc, cho thấy hình thức đối tác công tư là cần thiết.

Thứ hai, để gia tăng khả năng tiếp cận Internet trên toàn khu vực, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thu hẹp những khoảng cách về số hóa, vốn tác động một cách không tương xứng đến các cộng đồng, phụ nữ và người trẻ trong khu vực.

Chương trình Go Digital ASEAN là một bước đi đúng hướng. Được hậu thuẫn bởi chính phủ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và với sự hỗ trợ từ Google.org, chương trình tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận địa phương ở tất cả 11 nước khu vực Đông Nam Á để giúp 200.000 chủ doanh nghiệp nhỏ và người lao động từ các cộng đồng bị gạt sang bên lề (hơn một nửa trong số họ là phụ nữ) có được những kỹ năng về công nghệ mà họ cần. Nếu chương trình này thành công, đó sẽ là hình mẫu cho các chương trình tương tự đầy tham vọng khác.

Thứ ba, các công ty công nghệ và các cơ quan phụ trách vấn đề số hóa của chính phủ cần phải gánh vác trách nhiệm hướng dẫn thế hệ tiếp theo gồm các nhà sáng lập và phát triển khởi nghiệp tài năng của khu vực Đông Nam Á.

Các công ty khởi nghiệp như Gojek và Shopee có ý nghĩa then chốt trong dịch bệnh COVID-19.

Có rất nhiều nhà khởi nghiệp sẵn sàng phát triển theo hướng này và như báo cáo cho thấy khoảng 12 tỷ USD có thể được đầu tư để tài trợ cho sự phát triển của họ.

Những nhà khởi nghiệp này không chỉ muốn xây dựng các doanh nghiệp thành công, mà họ còn muốn góp phần giải quyết các thách thức như khả năng tiếp cận về y tế, giáo dục hay tài chính, đưa khu vực Đông Nam Á lên tuyến đầu của sự phát triển công nghệ toàn cầu.

Cuối cùng, các chính phủ và các doanh nghiệp cần phải can dự một cách mang tính xây dựng vào các chính sách cần thiết để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh doanh về lâu dài.

Thương mại số

Một lĩnh vực đầy hứa hẹn khác là thương mại số. Thương mại số có thể làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế giữa các nước Đông Nam Á với nhau và nền kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn, và giúp các doanh nghiệp khu vực cạnh tranh và phát triển trong các thị trường mới.

Bain & Company đánh giá sự hội nhập số lớn hơn trong nội bộ ASEAN có thể bổ sung 1.000 tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đến năm 2025.

Đồng thời, khi chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy trên toàn thế giới, Đông Nam Á có thể là tiếng nói cho sự mở cửa và hợp tác.

Công nghệ đang nằm ở trung tâm sự đối phó của Đông Nam Á đối với dịch bệnh COVID-19, giúp hàng trăm triệu người tiếp cận các dịch vụ số vào thời điểm họ cần đến.

Thách thức giờ đây là đảm bảo rằng vai trò tích cực, có mục tiêu này sẽ được tiếp tục khi khu vực phục hồi và tái thiết, để định hình nền kinh tế số hùng mạnh, bình đẳng mà tất cả người dân Đông Nam Á xứng đáng được hưởng trong thập kỷ tới./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục