Tại Việt Nam, khoảng 1/4 người trưởng thành mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trung bình một ngày có 20 bệnh nhân đến khám vì bệnh lý tĩnh mạch, tăng dần theo các năm và trẻ dần.
Đáng lưu ý có nhiều bệnh nhân nữ bị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới do thói quen đeo giầy cao gót hay mặc váy bó sát mà không hay biết.
Bác sỹ Lê Nhật Tiên, Phó trưởng Khoa Nội, Can thiệp Tim mạch-Hô hấp (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới (giãn tĩnh mạch chân) rất phổ biến.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, suy giãn tĩnh mạch có thể gặp ở 40% dân số trưởng thành. Trong đó, nữ giới tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam 2-3 lần, tiêu tốn chi phí điều trị lên tới hàng tỷ USD mỗi năm.
[Chính phủ Anh cam kết cùng Việt Nam giải quyết kháng kháng sinh]
Bệnh này hay gặp ở nữ hơn nam vì phụ nữ hay đi giày cao gót, mặc đồ bó... Việc đi giày cao gót làm việc vận cơ ở vùng bàn chân khó hơn so với người đi giày bằng. Phụ nữ hay mặc quần áo bó sẽ chèn tĩnh mạch đùi, khung chậu.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại, gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh.
Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch diễn tiến âm thầm, nhiều người bỏ qua triệu chứng. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...
Bác sỹ Tiên cũng cho biết suy giãn tĩnh mạch nông có thể nhìn thấy ngoài da, còn suy giãn tĩnh mạch sâu sẽ không nhìn thấy vì nằm sâu ở trong cơ đi cùng động mạch. Triệu chứng hay nhầm lẫn với thần kinh cột sống thắt lưng, bệnh cơ xương vùng cẳng chân, đùi chân. Bệnh nhân phù chân, chuột rút, tê bì, thậm chí cảm giác căng mỏi bắp chân về cuối ngày.
Nhiều bệnh nhân thường đến điều trị muộn do bệnh tiến triển âm thầm. Khi bệnh nhân bị sạm da vùng cẳng bàn chân, loét bàn chân mới đi khám, lúc đó mới phát hiện có suy giãn tĩnh mạch.
Đặc biệt, biến chứng muộn của bệnh lý này là giãn tĩnh mạch nhiều, ứ trệ ở chân thành búi tĩnh mạch cuộn âm hình thành huyết khối dẫn đến tình trạng thuyên tắc tĩnh mạch. Máu không hồi lưu được trở về, làm toàn bộ chân sưng phù lên, đau đớn. Nguy hiểm nhất là huyết khối lan lên tĩnh mạch chủ, lan về tim, phổi dẫn đến tử vong.
Để phòng bệnh, bác sỹ Tiên khuyên cần có tư thế ngồi đúng, không ngồi vắt chéo chân. Nếu công việc gò bó, cần thay đổi tư thế thường xuyên. Phụ nữ nên thay đổi thói quen ăn mặc, mặc đồ thoáng hơn, không đi giày cao gót quá cao.
Trường hợp suy giãn tĩnh mạch chân cần tránh ngâm chân bằng nước ấm, thậm chí không nên tắm nước nóng vì khiến mạch dễ bị giãn to hơn.../.
Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, ngày 28/11, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức Chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Đặc biệt, khi tham gia chương trình, ngoài được các chuyên gia tư vấn miễn phí, người bệnh sẽ được miễn phí siêu âm tĩnh mạch chi dưới. Địa điểm: Phòng khám số 2, tầng 2 nhà C4, Khu khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Người dân có thể đặt lịch khám và tư vấn miễn phí tới tổng đài 19001902. |