30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc: Dấu ấn Hàn Quốc trên đất Quảng Trị

Từ năm 2001-2022, các tổ chức của Hàn Quốc đã tài trợ cho tỉnh Quảng Trị khoảng 25 triệu USD để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai...
30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc: Dấu ấn Hàn Quốc trên đất Quảng Trị ảnh 1Hoạt động của một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Trải qua 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2022), các doanh nghiệp, tổ chức của Hàn Quốc đã và đang có những dấu ấn sâu đậm về đầu tư, hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội cho tỉnh Quảng Trị của Việt Nam.

Dấu ấn về đầu tư

Các doanh nghiệp của Hàn Quốc ngày càng quan tâm đầu tư vào tỉnh Quảng Trị trên các lĩnh vực may mặc, cảng biển, năng lượng, điện tử, phát triển đô thị, hạ tầng khu kinh tế và khu công nghiệp.

Nhà máy Sangshin Central Việt Nam của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sangshin Central Việt Nam thuộc Tập đoàn điện tử Sangshin Central Electronics Hàn Quốc được khởi công xây dựng tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử, huyện Triệu Phong vào giữa năm 2022 với số vốn đầu tư trên 81 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử với sản phẩm chính là bộ lọc tiếng ồn, cuộn cảm và linh kiện bằng nhựa đúc. Dự kiến kết thúc giai đoạn 1, nhà máy đi vào hoạt động trong quý 1/2023, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động.

Nhà máy dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2025 (giai đoạn 2) và giải quyết việc làm cho thêm 300 lao động.

Cuối năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã cấp chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất và gia công may mặc PI VINA Quảng Trị, có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Nhà đầu tư dự án này là Công ty Poong in Trading CO.Ltd của Hàn Quốc chuyên sản xuất trang phục dệt kim, đan móc, hàng dệt sẵn...

[Nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng]

Nhà máy có công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm, được xây dựng tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1, xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2020 với công suất thiết kế 5 triệu sản phẩm/năm; giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành tháng 12/2024. Nhà máy tạo việc làm ổn định cho từ 3.000-4.000 công nhân sau khi hoàn thành cả hai giai đoạn.

Các nhà máy do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh Quảng Trị cần lượng lớn lao động nên đã giải quyết nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Chị Lê Thị Phương, 29 tuổi, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong chia sẻ trước đây, lao động tại địa phương thường phải đi vào các tỉnh, thành phía Nam kiếm việc làm trong các nhà máy sản xuất gỗ, linh kiện điện tử, may mặc. Do xa nhà, phải trả tiền thuê nhà trọ, tàu xe đi lại nên thu nhập từ tiền lương không còn để tích lũy.

Việc các nhà máy do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử đã, đang và sẽ giúp nhiều người dân địa phương có việc làm ổn định. Làm việc gần nhà, người dân tiết kiệm được nhiều khoản chi phí nên có thể tích lũy được từ tiền lương.

Các doanh nghiệp của Hàn Quốc còn liên doanh với đối tác của Việt Nam để triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn Quảng Trị.

Cụ thể, Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc gồm: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc, Tổng Công ty Khí Hàn Quốc đang thực hiện Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Dự án có quy mô 120ha, công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành thương mại vào các năm 2026-2027.

Các doanh nghiệp của Hàn Quốc đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy (tại xã Hải An, huyện Hải Lăng) thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Dự án có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng, quy mô 685ha, gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn; được đầu tư theo 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (năm 2018-2025), đầu tư 4 bến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 (năm 2026-2031), đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 3 (năm 2032 - 2036) đầu tư 3 bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng khu kinh tế và khu công nghiệp tại Quảng Trị.

Trong lĩnh vực đầu tư nói chung, với các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, tỉnh Quảng Trị có các chính sách ưu đãi đầu tư như miễn, giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất; ưu đãi về thuê thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu.

Hỗ trợ an sinh xã hội

Từ năm 2001, Hàn Quốc đã có mối quan hệ hợp tác chính thức với tỉnh Quảng Trị, thông qua Dự án Hỗ trợ xây dựng mô hình nông thôn kiểu mới tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, do nước bạn tài trợ. Đến nay, sau 21 năm, nhiều tổ chức của Hàn Quốc đã hợp tác, tài trợ cho tỉnh Quảng Trị thực hiện các dự án đảm bảo an sinh xã hội.

Dự kiến từ nay đến hết năm 2023, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Y tế Vì hòa bình (Medipeace) của Hàn Quốc và tỉnh Quảng Trị sẽ khởi động Dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh tại thành phố Đông Hà.

Trung tâm được xây dựng theo mô hình Viện Phúc lợi xã hội Seoul của Hàn Quốc, gồm: Trung tâm Phục hồi chức năng, phúc lợi chung cho người khuyết tật, hỗ trợ phục hồi chức năng và trang thiết bị y tế.

30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc: Dấu ấn Hàn Quốc trên đất Quảng Trị ảnh 2Tặng quà cho nhân dân vùng lũ Quảng Trị. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Dự án có tổng mức đầu tư trên 293 tỷ đồng; trong đó KOICA viện trợ không hoàn lại trên 277 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, dự án này mang tính nhân văn, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, phát huy năng lực bản thân, cống hiến cho xã hội; đảm bảo người khuyết tật được nhận dịch vụ phúc lợi xã hội và phục hồi chức năng toàn diện.

Trước đó, các tổ chức của Hàn Quốc đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiều dự án về an sinh xã hội. Điển hình là Dự án “Giảm thiểu số trẻ em khuyết tật không được phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống” giai đoạn 2012-2020, do KOICA tài trợ.

Dự án đã giúp phát triển mạng lưới 10 phòng phục hồi chức năng cộng đồng, cùng với nhiều kỹ thuật mới trong hỗ trợ trẻ khuyết tật.

Dự án triển khai, bình quân mỗi ngày có hơn 160 trẻ khuyết tật được khám và điều trị, phục hồi chức năng. Các tình nguyện viên từ Hàn Quốc đã đến hơn 1.200 gia đình có trẻ khuyết tật để thăm khám và hướng dẫn phục hồi chức năng.

Ngoài ra, giai đoạn từ năm 2015-2018, KOICA tài trợ thực hiện Chương trình "Hạnh phúc Quảng Trị" tại 7 xã, gồm: Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh; Hải Thượng, huyện Hải Lăng; Triệu Trạch, huyện Triệu Phong; Cam Thủy, huyện Cam Lộ; Thuận, huyện Hướng Hóa; Mò Ó, huyện Đakrông và Gio Phong, huyện Gio Linh.

Chương trình có tổng vốn đầu tư trên 11,6 triệu USD; trong đó KOICA viện trợ không hoàn lại hơn 9,6 triệu USD để thực hiện các dự án trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực y tế…

Trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10/2020 ở Quảng Trị, thông qua KOICA, Chính phủ Hàn Quốc đã dành 300.000 USD cứu trợ khẩn cấp cho các nạn dân.

Từ năm 2001-2022, các tổ chức của Hàn Quốc đã tài trợ cho tỉnh Quảng Trị khoảng 25 triệu USD để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai...

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị Trần Khánh Phôi cho biết mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và Hàn Quốc đã, đang phát huy hiệu quả tốt, góp phần quan trọng cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp và bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục; hỗ trợ người khuyết tật, nâng cao đời sống người dân tiến tới thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục