35 nước đạt thỏa thuận xử lý hải sản cấm khai thác

35 nước có các đội tàu đánh bắt lớn trên các đại dương đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc xử lý các hải sản bị cấm khai thác.
Ngày 14/1, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết các chuyên gia ngành công nghiệp hải sản của 35 nước có các đội tàu đánh bắt lớn trên các đại dương đã đạt được thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về các nguyên tắc xử lý các hải sản bị cấm khai thác và giảm nguy cơ những hải sản này bị chết khi vướng vào các phương tiện đánh bắt cá.

Các hải sản bị cấm đánh bắt bao gồm tất cả các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, các loài cá chưa đến tuổi khai thác, rùa biển, chim biển, cá heo...

Thỏa thuận toàn cầu này quy định các nguyên tắc liên quan đến việc trả về biển và đại dương tất cả các hải sản bị cấm đánh bắt và xử lý các hải sản này trong trường hợp chúng bị chết khi vướng vào các phương tiện đánh bắt.

Theo số liệu của FAO, số hải sản bị khai thác ngoài mong muốn này hiện đã lên tới 20 triệu tấn mỗi năm.Việc đánh bắt các nguồn hải sản này không được quản lý chặt chẽ đã đe dọa sự bền vững lâu dài của nhiều ngành khai thác hải sản và tác động bất lợi đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân và những người sống phụ thuộc vào ngành đánh bắt hải sản trên toàn cầu.

Frank Chopin, chuyên gia công nghệ khai thác hải sản của FAO nhấn mạnh thỏa thuận toàn cầu đầu tiên này sẽ mở rộng các nguyên tắc quản lý công nghiệp đánh bắt hải sản tới tất cả các loài hải sản và tất các các lĩnh vực có liên quan.

Mặc dù Bộ luật về hành xử có trách nhiệm của các ngành khai thác hải sản thế giới đã đề cập đến cách thức xử lý các hải sản bị cấm khai thác khi chúng bị vướng vào các phương tiện đánh bắt nhưng thỏa thuận mới quy định chi tiết hơn về cách thức các nước cần phải tuân thủ để xử lý vấn đề này cũng như số hải sản cấm đánh bắt bị chết không thể trả về biển hoặc đại dương, cải tiến các phương tiện đánh bắt, ngừng khai thác một số hải sản, các sáng kiến kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các biện pháp đánh bắt tránh được nguy cơ các loài hải sản bị cấm đánh bắt vướng vào các phương tiện đánh bắt cũng như các biện pháp giám sát, nghiên cứu và phát triển, tăng năng lực của các quốc gia thực hiện thỏa thuận toàn cầu mới này và các vấn đề khác có liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục