4 Bộ trưởng tham gia giải trình trong kỳ họp thứ ba

Chiều 7/6, các đại biểu thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 2011.
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ ba, chiều 7/6, các đại biểu thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012.

Phân tích những khoảng sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 với nhiều kết quả khả quan, song các đại biểu cũng bày tỏ không ít băn khoăn, lo ngại trong những tháng cuối năm 2012, khi mà việc thực hiện thắt chặt tín dụng đã làm cho trên 17.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả….

Tại buổi thảo luận, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tổng Thanh tra Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải trình một số nội dung liên quan đã được các đại biểu đề cập.

Thanh tra 5 tập đoàn, tổng công ty, chưa phát hiện thất thoát vốn

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ tổ chức nhiều cuộc thanh tra trong đó có các Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Viettel và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Kết quả thanh tra đã phát hiện vi phạm của các tập đoàn, tổng công ty này lên tới trên 30.000 tỷ đồng.

Sai phạm ở 5 dạng sai quy trình thủ tục theo các quy định của nhà nước, do đầu tư, do chi phí và hoạt động sản xuất kinh doanh làm không đúng quy trình thủ tục; sai thẩm quyền; sai đối tượng cho phép; cấp không đúng nguồn; trình độ quản lý doanh nghiệp còn nhiều yếu kém dẫn đến vi phạm pháp luật và vi phạm về kinh tế. Tuy nhiên, chưa phát hiện thất thoát với các nguồn vốn này.

Hiện các tập đoàn, tổng công ty đều có phương án khắc phục hậu quả. Riêng với Tập đoàn Sông Đà, Thanh tra Chính phủ đã chuyển một vụ có hiện tượng tiêu cực sang cơ quan điều tra là dự án Nhà máy ximăng Đồng Bành để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 4 năm hoạt động (giai đoạn 2007-2010) của Tổng Công ty này với 3 nội dung là đầu tư mua sắm tàu, đầu tư tài chính dài hạn, xây dựng cảng biển và các công trình hạ tầng khác.

Qua thanh tra nổi lên một số vi phạm như đầu tư dài hạn lớn, dàn trải, biểu hiện nóng vội, chủ yếu bằng vốn vay. Do tình hình khó khăn chung của ngành vận tải biển nên hiệu quả việc khai thác tàu và quá trình quản lý vận hành tàu phân tán về nguồn vốn. Việc đầu tư cảng biển, cơ sở hạ tầng giai đoạn này không đạt kế hoạch đề ra, chậm tiến độ và phát huy hiệu quả kém.

Trước những khó khăn trên, Vinalines vẫn duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh nhưng mức độ càng về sau càng kém, năm 2008 lợi nhuận sau thuế là 1.272 tỷ đồng, nhưng đến năm 2010, con số này chỉ còn 114 tỷ đồng.

Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinalines ngày càng giảm dần và cần phải cơ cấu lại. Cũng qua thanh tra tại Vinalines đã phát hiện một vụ vi phạm pháp luật trong mua và quản lý ụ tàu nổi.

Xung quanh việc giải quyết khiếu nại tố cáo, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết từ tháng 9/2011 đến nay, khiếu nại, tố cáo đã giảm cả 3 mặt số đơn, số lượng người và số lượng công dân, nhưng tình hình khiếu nại tố cáo rất gay gắt, phức tạp.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã ra chỉ thị chỉ đạo tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo tồn đọng kéo dài gay gắt. Hiện trong cả nước còn hơn 500 vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của trung ương.

Những giải pháp được Thanh tra Chính phủ đưa ra là thành lập các tổ công tác đi rà soát ở các địa phương, tiến hành việc tiếp công dân và đối thoại trực tiếp với dân để tháo gỡ, tạo sự đồng tình trong dân. Từ nay đến cuối năm, cơ quan này tực hiện rà soát và giải quyết các điểm nóng gay gắt, phức tạp.

Dư địa tăng trưởng còn lớn

Cung cấp thêm một số thông tin về các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết tính đến cuối 2010, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng vốn tài sản 1.799 nghìn tỷ, trong đó nợ phải trả là 1.088 nghìn tỷ, như vậy vốn của chủ sở hữu vẫn còn 40%.

Tỷ lệ này chưa thật là cao như mong muốn nhưng xét trong các nền kinh tế đang phát triển và các doanh nghiệp nói chung thì tỷ lệ này là không thấp. Lợi nhuận của 12 tập đoàn, tổng công ty là 162.910 tỷ đồng, tăng 66% so với thực hiện 2009. Có một số doanh nghiệp lỗ do làm ăn yếu kém nhưng cũng có doanh nghiệp lỗ do chính sách giá.

Về chính sách tài khóa được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích về nguồn thu Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án về đánh giá tài chính ngân sách năm 2011 và đánh giá bổ sung quý 1 năm 2012.

Sau tháng 3/2012 mới có đánh giá về xác định tổng nguồn thu, cuối tháng 4/2012, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đã trình Quốc hội và Nghị quyết vào tháng 5.

Riêng với đầu tư công, trái phiếu Chính phủ và đầu tư công năm nay đã có đổi mới phân bổ theo trung hạn, thời gian phân bổ phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các danh mục để tránh phân tán và dàn trải nên cần phải có thời gian sắp xếp giữa các bộ, ngành, địa phương. Tuy chậm nhưng việc phân bổ, sắp xếp theo đúng công trình cần thiết sẽ cho hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn.

Nếu 5 tháng đầu năm mới giải ngân được 18.500 tỷ đồng thì dư địa còn lại của 7 tháng cuối năm mỗi tháng có thể là gần 21.500 tỷ, đây là dư địa cho tăng trưởng cuối năm.

Đối với việc một số đại biểu đề nghị giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Vương Đình Huệ cho biết thuế VAT là thuế gián thu, nếu giảm 50% thuế này thì chốt ngân sách cả năm nay sẽ giảm ngay 115.180 tỷ đồng bằng 15,6% tổng thu ngân sách theo dự toán và không có khoản nào bù đắp được. Trong điều kiện lạm phát thấp trong những tháng đầu năm nay mà áp dụng biện pháp giảm thuế để kéo giá bán xuống là không phù hợp.

Thực tế năm 2009, Việt Nam đã áp dụng biện pháp này nhưng doanh nghiệp không giảm giá bán trong khi ta không có chế tài nào để bắt buộc. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu phương án giảm thuế VAT, có thể thực hiện giảm theo một số phân khúc nào đó.

Bộ trưởng cũng cho rằng nếu ngay giảm thuế suất từ 25% xuống 20% cho cả năm thì ngân sách sẽ giảm 20.442 tỷ đồng trong khi thu ngân sách 5 tháng qua là rất thấp so với những năm trước thì việc đảm bảo vững chắc khả năng cân đối ngân sách là rất khó.

Ngày 11/6, mặt bằng lãi suất huy động sẽ giảm còn 9%

Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Theo Thống đốc, đến nay lãi suất huy động đã giảm và lãi suất cho vay trên thực tế giảm từ 2-5%.

Sở dĩ có độ “trễ” trong giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại là vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ chỉ có thể bán với giá chấp nhận được và giá thị trường có thể chấp nhận được. Ngân hàng vẫn phải đảm bảo thanh khoản của mình, chưa thể tăng trưởng tín dụng một cách mạnh mẽ.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tính tới giảm mặt bằng lãi suất xuống. Ngày 11/6 tới, mặt bằng lãi suất huy động sẽ giảm còn 9%, điều này đã được Thủ tướng đồng ý.

Trên cơ sở giảm mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước dự kiến phối hợp với các bộ, ngành thành lập công ty mua bán nợ quốc gia góp phần xử lý khoản nợ trên dưới 100.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc bảo toàn vốn.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lập dự án trình Chính phủ về việc hỗ trợ vốn cho vay mua nhà đối với những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp để nhanh chóng giải quyết tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản; đề xuất với Thủ tướng cải tiến hơn nữa cơ chế bảo lãnh tín dụng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khắc phục đầu tư dàn trải

Giải trình về vấn đề giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết tháng 8/2011, Bộ đã trình Chính phủ một dự thảo tái cơ cấu đầu tư công, kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ trong đầu tư để khắc phục đầu tư dàn trải, hiệu quả kém, phân tán nguồn lực. Bộ rất chia sẻ với các bộ và các địa phương vì tổng vốn năm 2012 rất ít, các công trình đều đã bố trí dàn trải, cắt đi và sắp xếp lại vốn là rất khó cho các địa phương.

Đến nay, đã giao vốn trái phiếu Chính phủ là 42.099/45.000 tỷ đồng, phần chưa giao được là do trách nhiệm các địa phương và các bộ không bố trí đúng theo Chỉ thị của Thủ tướng.

Bộ đã trình Thủ tướng tiếp tục gia hạn cho các địa phương và các bộ đến ngày 31/6 là hạn cuối cùng để bố trí vốn cho các công trình theo đúng danh mục ưu tiên, nếu không thực hiện tốt phải thu về ngân sách làm dự phòng./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục