4 tỷ USD bồi thường cho lực lượng cứu hộ vụ 11/9

Mỹ sẽ dành 4 tỷ USD trong 10 năm để đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho lực lượng cứu hộ sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/1 đã ký ban hành luật bồi thường cho những người tham gia cứu hộ trong thảm họa khủng bố hôm 11/9/2001.

Người phát ngôn Nhà Trắng Bill Burton cho biết Tổng thống Obama đã ký luật trên tại căn cứ lính thủy đánh bộ Kaneohe, Hawaii - nơi ông và gia đình đang nghỉ Lễ Giáng sinh và Năm Mới 2011.

Phát biểu sau lễ ký, Tổng thống Obama khẳng định chính quyền sẽ không bao giờ bỏ rơi những người sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để cứu người khác.

Đây là biện pháp nhằm giúp đỡ các cảnh sát, lính cứu hỏa và những công nhân, nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh và những người tình nguyện bị ảnh hưởng bởi khói bụi khi tham gia cứu hộ sau khi các phần tử khủng bố tấn công, đánh sập tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York hôm 11/9/2001.

Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trên hôm 22/12 vừa qua, theo đó dành 4 tỷ USD trong 10 năm để đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho lực lượng cứu hộ sau vụ khủng bố 11/9.

Theo con số thống kê chính thức, khoảng 50.000 người đã tham gia công tác cứu hộ sau vụ khủng bố trên. Từ đó đến nay, đã có gần 1.000 người tử vong, trong đó có khoảng 300 người tử vong do mắc ung thư dạ dày, ruột kết, gan, phổi, họng và ung thư máu. Đó là chưa kể hơn 30 người tự tử, hầu hết do bế tắc về sức khỏe và tài chính và nhiều người bị chấn thương về tâm lý.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, phát biểu trên các phương tiện truyền thông Mỹ, nhiều nghị sỹ của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ sử dụng thế đa số ở Hạ viện và các ghế mới giành được tại Thượng viện để lật lại chương trình cải cách y tế của Tổng thống Obama, đồng thời thúc đẩy việc giảm mạnh chi tiêu chính phủ trong bối cảnh Quốc hội khóa mới của Mỹ chuẩn bị họp.

Phát biểu trên đài truyền hình Fox News, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Fred Upton, đến từ bang Michigan, người sẽ giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, cho biết cơ quan này sẽ sớm tổ chức một cuộc bỏ phiếu nhằm bác bỏ chương trình cải cách y tế, tạo ra sức ép lớn đối với Thượng viện - nơi đảng Dân chủ vẫn đang nắm đa số ghế.

Trong khi đó, phát biểu trên chương trình "Gặp gỡ báo chí" của đài NBC, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham, nhận định cuộc tranh cãi về chương trình cải cách y tế có khả năng sẽ diễn ra ở Quốc hội và tại các bang xung quanh việc cắt giảm ngân sách và các yêu cầu mới của đạo luật này.

Theo luật cải cách y tế, được Tổng thống Obama ký ban hành ngày 23/3/2010, ngay sau khi lưỡng viện quốc hội thông qua với số phiếu sít sao, mọi người dân Mỹ đều phải mua bảo hiểm y tế, nếu không thực hiện sẽ bị phạt khoảng 700 USD/năm.

Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ người nghèo, nhưng sẽ tăng thuế đối với những người có thu nhập cao, nâng tổng số dân Mỹ được chăm sóc y tế lên 95% và giảm thâm hụt ngân sách liên bang 138 tỷ USD trong 10 năm tới và 1.200 tỷ USD trong 10 năm tiếp theo.

Trong các lần bỏ phiếu, không một nghị sỹ nào của đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ dự luật này vì họ cho là tốn kém và không hiệu quả. Lãnh đạo của đảng Cộng hòa tuyên bố một trong những ưu tiên hàng đầu của họ sau khi bắt đầu nắm quyền kiểm soát tại Hạ viện là hủy bỏ luật y tế.

Trong Quốc hội Mỹ khóa 112, bắt đầu từ ngày 3/1/2011, đảng Dân chủ nắm 51 ghế tại Thượng viện và 193 ghế tại Hạ viện, so với 47 và 242 ghế của đảng Cộng hòa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục