Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 15/9, cả nước đã ghi nhận 52.321 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 61 tỉnh thành, trong đó đã có 109 trường hợp tử vong tại 22 tỉnh, thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là địa phương có nhiều người tử vong nhất (với 26 trường hợp), tiếp theo là Đồng Nai (22), Bình Dương (9), Long An (7), Bà Rịa-Vũng Tàu (6)…
Hiện nay, các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam với 70% số ca nhiễm bệnh và 90% số tử vong của cả nước. Các trường hợp tử vong xảy ra chủ yếu ở trẻ nam (chiếm 71%), trẻ dưới 3 tuổi chiếm gần 80%.
Bộ Y tế đưa ra nhận định dịch bệnh tay chân miệng trên toàn quốc tiếp tục diễn biến phức tạp trong khoảng nửa cuối tháng Chín đến tháng Mười một, gia tăng số ca mắc bệnh và tử vong. Nguyên nhân là do bệnh hiện chưa có vắcxin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Các trường hợp mắc bệnh và tử vong tập trung chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, vì đây là lứa tuổi trẻ chưa thể tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh nên phải phụ thuộc nhiều vào kiến thức, thái độ, hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng chống bệnh này.
Trong khi đó sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm./.