60 năm Giải phóng Thủ đô: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về khúc bi tráng 60 ngày, đêm năm 1946 vẫn hiện rõ qua lời kể của người chiến sỹ Vệ quốc quân 60 năm trước.
60 năm Giải phóng Thủ đô: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ảnh 1Người chiến sỹ ôm bom ba càng sẵn sàng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh." (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Mỗi lần đặt chân lên cầu Long Biên, “nhân chứng” ba thế kỷ chứng kiến những thời khắc lịch sử của đất nước và Hà Nội, tâm trạng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Thủ đô Anh hùng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô lại xốn xang.

Ùa về trong ký ức của người lính già là khúc bi tráng 60 ngày, đêm năm 1946, ông cùng đồng đội Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, là ký ức “cuộc rút lui thần kỳ” của Trung đoàn Thủ đô ra khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng, hẹn ngày trở về...

Chiến đấu trong vòng vây

Tối 19/12/1946, hiệu lệnh chiến đấu mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp phát đi trên Đài Tiếng nói Việt Nam, quân dân Hà Nội đồng loạt nổ súng vào các điểm đóng quân của giặc Pháp trong thành phố - từ giữa cây cầu Long Biên lộng gió Hồng Hà, người Đại đội trưởng Đại đội tự vệ phố Hàng Thiếc, khu tự vệ Đông Thành, Liên khu I năm xưa Nguyễn Trọng Hàm mở đầu câu chuyện như vậy.

Ánh mắt người lính già dừng lại ở bãi giữa sông Hồng xanh ngăn ngắt màu của cây cỏ, rồi hướng về khu phố cổ, nơi Hàng Thiếc, Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào - những chiến địa khốc liệt năm ấy.

Giọng ông đều đặn: "Đêm ngày 7/2, một đại đội lính Pháp có yểm trợ của xe bọc thép đánh “thọc sườn” phố Hàng Thiếc nhưng vừa tiến vào chúng đã rơi vào bẫy ta dựng sẵn. Khi đám lính Âu Phi to xác, hùng hổ chui qua các lỗ tường nhà mà ta đã đục sẵn theo hình dích dắc, lực lượng tự vệ đã dùng vũ khí thô sơ diệt địch. Quân giặc ùn lại phía sau."

“Từ tầng hai, ta tung lựu đạn xuống. Giặc chết ngổn ngang. Các mũi tự vệ đánh tập kích cũng diệt không ít lính lê dương. Pháp huy động xe tăng, hỏa lực chống trả quyết liệt. Nhiều chiến sỹ quyết tử liền ôm bom ba càng đâm thẳng vào xe tăng địch, anh dũng hy sinh”- ông Nguyễn Trọng Hàm bồi hồi nhớ lại.

Đối diện quân thù, những người con Thủ đô như các chiến sỹ Tự vệ phố Hàng Thiếc, ba chị em gái Nguyễn Bích Tần ở khu phố Nhà Binh (Lý Nam Đế - Hà Nội), Vệ út Phùng Đệ, Vệ út Vũ Trọng Phụng… kết thành một khối, anh dũng chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội.

Như “Gavroche” Phạm Đình Luận, xưa tóc để trái đào, nay tuổi 80, da mồi, đầu bạc, chân bước đã chậm nhưng nói về những ngày Hà Nội rực lửa, lại trở nên linh hoạt. Ông “thổi” vào tâm trí người nghe những chú bé liên lạc ngang dọc dưới làn đạn thù, lao ra các chiến địa để truyền mật lệnh chiến đấu, tham gia tiếp tế, cứu thương và có lúc trực tiếp cầm vũ khí đánh thù.

“Gavroche” bảo: "Hồi Thủ đô kháng chiến, ông mới 9 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu chiến tranh và cái chết là rất gần nhau. Vì không có khái niệm thế nào là chết nên không hề sợ hãi. Từ chiến lũy này con thoi sang chiến lũy kia, mặc cho đạn réo ào ào chung quanh."

Ngày ấy, Hà Nội bốc cháy. Máu chiến sỹ loang đỏ phố. Song quân dân Hà Nội cứ ào ào xung phong. Tại nhiều chiến lũy, đồng đội dần dần hy sinh nhưng người cuối cùng trụ lại vẫn không hề buông súng... Và họ, những người vệ quốc như Quang Hưng, Lương Ngọc Trác với khẩu súng, cây đàn ghita trên tay vừa đánh trận vừa cất lời hát “Bao chiến sỹ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường.” Khắp các chiến lũy ở Hà Nội, tiếng hát cứ vang lên, lan tỏa, như sợi dây nối chặt quân dân Thủ đô một lòng giữ vững ngọn cờ độc lập.

Hẹn một ngày về

Nhớ lại hồi đầu Toàn quốc kháng chiến, ông Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến thành phố Hà Nội thời đó, nay đã 99 tuổi nhưng lời nói vẫn mạch lạc, gãy gọn: "Lúc ấy, Hà Nội là chiến trường chính trong cuộc giao chiến, nhưng tương quan lực lượng giữa ta và địch không cân sức."

Lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Hồ Chủ tịch thôi thúc động viên nhân dân Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính phủ, bảo vệ các nhân sỹ, trí thức yêu nước và cán bộ, chuyển những gì cần thiết ra chiến khu; bảo vệ dân, vũ trang toàn dân. Cuộc chiến đấu ngoan cường của quân dân Hà Nội, nhất là tinh thần Quyết tử-Quyết sinh của các đội tự vệ, cảm tử quân đã làm phá sản âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp.

“Suốt 60 ngày đêm khói lửa, ta không những giam chân địch trong nội thành, ngăn chặn chúng mở rộng đánh ra các vùng lân cận, mà còn phá vòng vây của địch, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân Thủ đô sơ tán trở lại vùng tự do, căn cứ địa cách mạng an toàn. Bác Hồ đã có lời khen, các chú giam chân địch được một tháng đã là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được 2 tháng là đại thắng lợi”- người Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ năm xưa kể.

Theo trí nhớ của ông Nguyễn Văn Trân, bị cầm chân và lực lượng tiêu hao lớn, quân Pháp phải chờ chi viện. Giữa lúc đó, lãnh sự Trung Hoa đề nghị Pháp tạm ngừng bắn để Hoa kiều rút khỏi thành phố. Phía quân ta quyết nhân cơ hội này đưa một số cán bộ, lực lượng quân sự và nhân dân chưa kịp tản cư rút ra hậu phương.

Sau đó, ông Trân cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam hội đàm với đại diện Trung Hoa Dân quốc, Anh, Mỹ. Hai bên bàn bạc và đi đến thoả thuận ngừng bắn vào ngày 15/1/1947 để Hoa kiều rút ra ngoài. Nhân dân và hàng trăm người thuộc lực lượng chiến đấu Liên khu I hòa vào dòng người Hoa tản cư công khai để bảo toàn lực lượng.

Về cuộc rút lui chiến lược ngày 17/2, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm hồi nhớ: "Đêm đó, mưa bụi bay lâm thâm. Gió thổi mạnh rét căm căm. Trời tối như bưng lấy mắt. Phố xá lạnh tanh, vắng ngắt. Mọi hoạt động đều diễn ra kín đáo, bất ngờ. Sau khi kẻ lên các bức tường dòng chữ “Hà Nội thân yêu ơi, chúng tôi sẽ trở lại,” những người vệ quốc bắt đầu rời Hà Nội qua bãi giữa sông Hồng dưới cầu Long Biên."

3 giờ sáng ngày 18/2, đồng bào và du kích Tứ Tổng dùng 20 thuyền tam bản đưa các chiến sỹ vượt sông đến nơi an toàn bên kia huyện Đông Anh. Trên bãi cát giữa sông Hồng chỉ còn một nhóm nhỏ do Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy tình nguyện ở lại quyết tử chặn địch cho đơn vị chính rút lui an toàn. Khi biết Trung đoàn Thủ đô thoát khỏi Hà Nội, quân Pháp điên cuồng lùng sục. Chúng bổ tới bãi dâu Tàm Xá giữa sông Hồng. Cuộc chiến không cân sức diễn ra giằng co quyết liệt. Những người ở lại hy sinh gần hết...

“Sau này trong cuốn hồi ức Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cuộc rút quân này như sau: Hôm nay, sông Hồng một lần nữa chứng kiến một cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô vượt qua vòng vây dày đặc của quân địch, một mẫu mực của lòng dũng cảm, khả năng tổ chức và tính kỷ luật với sự phối hợp và đùm bọc của nhân dân các xã ven sông Hồng” - ông Nguyễn Trọng Hàm tự hào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục