600 cảnh sát tham gia điều tra vụ sát hại binh sỹ Anh

Tính đến thời điểm này, 600 cảnh sát, trong đó có 100 nhân viên chống khủng bố, trực tiếp tham gia điều tra  vụ giết hại binh sỹ Lee Rigby.
Phát biểu trước Ủy ban Nội vụ của Hạ viện Anh chiều 4/6, bà Cressida Dick - Trợ lý Cảnh sát trưởng London, cho biết các lực lượng chức năng nước này đang mở rộng điều tra vụ giết hại binh sỹ Lee Rigby ở Woolwich, mặc dù cả hai can phạm chính là Michael Adebowale và Michael Adebolajo đã bị buộc tội giết người.

Sở Cảnh sát London (Met) đã quyết định tăng cường lực lượng để tiếp tục điều tra vụ giết người kinh hoàng xảy ra hôm 22/5 vừa qua.

Theo bà Dick, tính đến thời điểm này, 600 cảnh sát, trong đó có 100 nhân viên chống khủng bố, trực tiếp tham gia điều tra. Cơ quan an ninh và phản gián Anh MI5 vẫn tiếp tục hỗ trợ cho cảnh sát London.

[Nghi phạm sát hại binh sỹ Anh bị buộc tội giết người]


12 người đã bị bắt giữ, 6 xe ô tô bị tịch thu và 17 địa điểm bị lục soát trong một chiến dịch quy mô lớn mà cảnh sát London đang triển khai. Tuy nhiên, 8 người đã được bảo lãnh, 2 người được trả tự do do thiếu chứng cứ.

Căn cứ vào thông tin do 60 nhân chứng tại hiện trường cung cấp, bà Dick khẳng định rằng không còn nghi can nào, ngoài Michael Adebowale và Michael Adebolajo, dính líu tới vụ giết hại binh sỹ Lee Rigby.

Chủ tịch Ủy ban Keith Vaz cho rằng vụ việc là tiếng chuông cảnh báo nước Anh về bạo lực cực đoan có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào, từ bên ngoài và thậm chí ngay cả bên trong lãnh thổ.

Khi vụ việc xảy ra, nhiều ý kiến chỉ trích rằng lực lượng phản ứng nhanh được vũ trang của Met có mặt tại hiện trường quá chậm. Tuy nhiên, bà Dick cho rằng phản ứng của cảnh sát là rất nhanh chóng và kịp thời.

Mặc dù lực lượng chống khủng bố của Sở Cảnh sát London hiện đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức, nhưng theo bà Dick, đây không phải là lúc tăng nguồn ngân sách dành cho lực lượng này.

Một số nghị sỹ cũng đặt vấn đề rằng liệu Met có thể chống khủng bố hiệu quả hơn nếu được bổ sung các sỹ quan là người Hồi giáo.

Đề cập tới vấn đề này, bà Dick cho biết: "Chúng tôi vẫn là một cơ quan hữu ích và hiệu quả. Nhưng chúng tôi sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hỗ trợ của tất cả cộng đồng dân cư ở London."

Sau vụ giết người, căng thẳng đã gia tăng ở London, nhưng cảnh sát cho rằng khó có thể xảy ra các vụ tấn công tương tự.

Trong một động thái có liên quan, ngày 3/6, Thủ tướng Anh David Cameron đã đồng ý mở cuộc điều tra liệu các trường đại học, quỹ từ thiện Hồi giáo, nhà tù và cả mạng Internet có phải là nơi truyền bá, phát tán tư tưởng Hồi giáo cực đoan hay không.

Phát biểu với các nghị sỹ, ông Cameron cho rằng nước Anh cần phải triển khai nhiều giải pháp nhằm nắm được gốc rễ của tư tưởng Hồi giáo cực đoan, từ đó ngăn chặn bạo lực và tội phạm./.

Lê Phương/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục