90% triệu phú đôla tại Việt Nam đều 'đổ tiền' vào bất động sản

Trong bối cảnh khó khăn bởi dịch COVID-19, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam không nhất thiết “chờ đợi” những doanh nghiệp hàng đầu, thay vào đó hãy đón những doanh nghiệp phù hợp với mình.
90% triệu phú đôla tại Việt Nam đều 'đổ tiền' vào bất động sản ảnh 1Thời gian tới vẫn còn "cửa sáng" cho thị trường bất động sản. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Hiện nay ở Việt Nam, số lượng triệu phú sở hữu từ 1 triệu đô la - dựa trên con số công khai, có khoảng trên 12.000 người và 90% trong số này đều trực tiếp hoặc gián tiếp kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, trong nhóm 100 người giàu nhất Việt Nam, tức trên 30 triệu đô la, con số liên quan trực tiếp đến kinh doanh bất động sản là 99,1%.

Với con số triệu phú trên và tình hình dịch COVID-19 hiện nay, giới chuyên gia bất động sản cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải "chờ" những doanh nghiệp "đại bàng" từ nước ngoài, thay vào đó hãy "đón" những doanh nghiệp phù hợp, nhất là doanh nghiệp ở trong nước đang có nhiều tiềm năng.

"Liệu cơm, gắp mắm"

Thông tin thêm tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020-2021: Sẵn sàng chu kỳ mới” do BizLIVE tổ chức vừa diễn ra mới đây, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jll Việt Nam cho biết Việt Nam đang có rất nhiều dự án FDI. Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển thị trường ở trên thế giới cũng giúp Việt Nam được hưởng lợi khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn tìm hiểu để đặt nhà máy.

Tuy nhiên, khi dịch chuyển nhà máy có rất nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến những toan tính của các nhà đầu tư cùng với các ràng buộc khác như hệ thống cung ứng và tình hình dịch COVID-19, nên việc các nhà đầu tư sang thăm, khảo sát thị trường Việt Nam cũng gặp khó khăn.

“Hy vọng khi dịch được kiểm soát, hoạt động này sẽ được đẩy mạnh hơn,” ông Quang kỳ vọng song cũng lưu ý rằng việc hoàn thiện dự án bất động sản hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, với bất động sản đô thị, từ khâu lên dự án cho đến khi đưa ra thị trường, hoàn thiện, quy trình có khi phải 4-5 năm; các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng thế, phải mất 2-3 năm.

[Bộ Xây dựng: Các doanh nghiệp "con cưng" lỗ nặng sau cổ phần hóa] 

Với những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, ông Quang cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải chờ đợi "đại bàng" là những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Bởi lẽ "đại bàng" đòi hỏi những quy định rất khắt khe mới đến. Vì thế, thay vào đó cần “liệu cơm gắp mắm,” đón những doanh nghiệp phù hợp với mình, có thể là "chim cắt," cũng như nguồn lực nhà đầu tư trong nước.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng trước đây thường có quan điểm cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài, song thực tế trong khoảng 20 năm qua cho thấy thị trường bất động sản phát triển chủ yếu là nhờ vào các nhà đầu tư nội, trong nước.

90% triệu phú đôla tại Việt Nam đều 'đổ tiền' vào bất động sản ảnh 2Theo giới chuyên gia bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Vị chuyên gia này dẫn chứng ngay như các vùng đang phát triển như Hạ Long cũng không có bóng dáng các nhà đầu tư ngoại. "Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong những năm qua chỉ là 'rót tiền' mua dự án, như Keangnam, họ sử dụng luôn các nguồn lực, kỹ thuật của Việt Nam. Trong khi đó, tất cả các khu đô thị lớn, công trình hoành lớn ở nước ta phần lớn là nhà đầu tư nội thực hiện," ông Đính nói.

Điều này cho thấy rõ ràng các nhà đầu tư nội đang đầu tư vào bất động sản với tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan chức năng cần có chính sách thu hút đầu tư phù hợp để thu hút nguồn lực trong nước vào phát triển các dự án bất động sản.

Trong nguy có cơ, bất động sản vẫn "sáng"

Đánh giá về tình hình vĩ mô hiện nay, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng với thời điểm hiện tại khi Việt Nam đã xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ 2, khả năng dự báo tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt từ 1,5% đến 2% trong năm nay.

Đáng lưu ý là, mỗi khi nền kinh tế khó khăn thì hai lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất là chứng khoán và bất động sản.

“Bản đánh giá 15 lĩnh vực chính, đóng góp tới 80% GDP mà chúng tôi đã thực hiện cho thấy bất động sản là 1 trong 8 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất do COVID-19. Theo đó, trong đề xuất với Chính phủ, chúng tôi đã đề nghị cần hỗ trợ mạnh thị trường bất động sản,” ông Lực chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng “trong nguy có cơ,” với ba điểm sáng của thị trường bất động sản bao gồm bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở và logistics.

“Hiện Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công, bất động sản sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Trong và sau đại dịch COVID-19, hành vi của các nhà đầu tư cũng đã và đang thay đổi rất lớn. Do vậy, cấu trúc bất động sản cũng sẽ thay đổi rất nhiều để thích nghi,” ông Lực nói thêm.

[Thị trường bất động sản ra sao sau đợt COVID-19 thứ 2?]

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng bất động sản là loại hình phục hồi nhanh nhất so với các loại hình khác.

"Điều này đã minh chứng sau khi đợt dịch một kết thúc, kết thúc giãn cách, thị trường đã nhanh chóng khôi phục các giao dịch," ông Đính nhấn mạnh.

Với xu thế trên, ông Đính cho rằng khi dịch COVID-19 thứ 2 được kiểm soát, bất động sản sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên được khôi phục; bên cạnh đó là du lịch, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng.

Cho rằng COVID-19 chính là “một cuộc cách mạng,” tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, diễn giải "cách mạng" ở đây chính là việc thay cũ đổi mới và COVID-19 khiến thị trường Việt Nam trở nên "có giá," từ đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn về Việt Nam.

90% triệu phú đôla tại Việt Nam đều 'đổ tiền' vào bất động sản ảnh 3Bất động sản du lịch còn nhiều tiềm năng. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Mặt khác, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc cũng giúp thị trường Việt Nam vào thế “ngư ông đắc lợi.” Ông Hưởng cho biết có nhiều bạn bè đã mang tiền đầu tư ra nước ngoài cũng đang rục rịch muốn quay trở về Việt Nam... 

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam đang mất cân đối, cầu đang chờ cung do đang thiếu cơ sở pháp lý để cung có hàng.

“Chúng ta có cơ chế cho người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc khiến họ không mua được,” ông Hưởng chia sẻ và cho biết ở Singapore hay Australia thì mọi chuyện rất khác. Người nước ngoài có thể mua bất động sản một cách dễ dàng, chỉ cần đáp ứng các yêu cầu về thuế.

Nói thêm về xu hướng đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng nếu nhà đầu tư thực sự có nhiều tiền thì nên đầu tư vào bất động sản thời điểm này.

“Nếu ít tiền và phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì tôi khuyên là chưa nên tham gia vì chúng ta chưa thể biết tình hình COVID-19 đến khi nào được kiểm soát,” ông Đính lưu ý nhà đầu tư.

Dù vậy, ông Đính vẫn tin tưởng bất động sản là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất, an toàn và có dư địa lớn nhất. Minh chứng là trong suốt nhiều năm qua, chưa có cuộc khủng hoảng nào mà bất động sản giảm giá, ngược lại vẫn tăng đều, bình quân từ 5-7%./.

Theo báo cáo “The wealth report 2019” do Knight Frank công bố, với thống kê chi tiết về số lượng triệu phú của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam có 12.327 triệu phú USD vào năm 2018, tăng 23% so với cách đây 5 năm. Dự báo đến năm 2023, số lượng triệu phú USD của Việt Nam sẽ tăng lên 15.776 người.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục