Người nước ngoài đã mua bao nhiêu nhà tại Việt Nam trong 5 năm qua?

Trong 5 năm qua, 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam đã bán 12.335 nhà ở cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Người nước ngoài đã mua bao nhiêu nhà tại Việt Nam trong 5 năm qua? ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), trong 5 năm qua, 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam đã bán 12.335 căn hộ cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài; trong đó khách hàng mua nhà chủ yếu là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore.

Người nước ngoài mua nhà chiếm 2%

Trong văn bản HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan về việc nên hay không nên nới giới hạn trần sở hữu nhà trong dự án nhà ở thương mại cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và việc mua căn hộ du lịch (condotel) mới đây, HoREA nhận định việc thực hiện chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở, bước đầu đã có tác động tích cực với thị trường bất động sản.

Qua thống kê sơ bộ về tình hình bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong 5 năm qua (2015-2020) từ 17 Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn, cho thấy có 12.335 căn hộ đã được bán ra, chiếm khoảng 70-80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài.

Từ đó, có thể ước số lượng căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua vào khoảng 14.800-16.000 căn.

[Bộ Xây dựng đề xuất làm rõ hợp đồng mua bán căn hộ nghỉ dưỡng]

Trong số 17 tập đoàn nêu trên thì 85,7% tổng số nhà là do 5 tập đoàn bất động sản lớn bán ra, với 10.571 căn hộ. Trong đó có tập đoàn chiếm tới tỷ lệ 40% với 5000 căn nhà được bán ra. 

Đối chiếu với số liệu báo cáo thị trường bất động sản cả nước trong 10 năm (2009-2019) của Bộ Xây dựng, đã có 5.000 dự án nhà ở với gần 3,8 triệu căn nhà (bình quân 5 năm phát triển khoảng 787.000 căn nhà). Nếu so với 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua, thì chỉ chiếm tỉ lệ 2% tổng số nhà ở.

Nhìn nhận thực tế trên, một số chuyên gia cho rằng con số 16.000 căn hộ không phải là lớn. Điều này chứng tỏ thị trường bất động sản cho người nước ngoài chưa được mở rộng, đang có giới hạn. Ngoài ra, các nhà đầu tư chưa quan tâm đến loại hình nhà ở nhiều mà chủ yếu đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp ở vùng ven.

Dù vậy, một số ý kiến lại cho rằng mặc dù số lượng nhà ở bán cho người nước ngoài chưa nhiều nhưng đang có xu hướng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam tăng dần. Vì thế, việc đa dạng nguồn khách mua, bao gồm Việt kiều, người nước ngoài cũng là điều cần thiết và có lợi cho chủ đầu tư nói riêng và lĩnh vực bất động sản nói chung.

Không nhiều đến nỗi phải nới “room”

Về thông tin đang có xu hướng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam tăng dần, đại diện lãnh đạo HoREA cho rằng không có “làn sóng” người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 5 năm qua, nhưng đã cho thấy những dự án khu đô thị, nhà chung cư cao cấp, hiện đại, có đầy đủ dịch vụ, tiện ích, an ninh an toàn,...

Người nước ngoài đã mua bao nhiêu nhà tại Việt Nam trong 5 năm qua? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.

Thời gian qua, các chủ đầu tư dự án nhà ở đã chấp hành nghiêm túc quy định giới hạn "trần' 30% số lượng căn hộ được bán cho người nước ngoài. Một số dự án đã đạt "trần" 30% thì người nước ngoài chuyển sang ký “Hợp đồng thuê mua nhà (leasing)” dài hạn 50 năm. Nhưng đây chỉ là số ít dự án như Gateway Thảo Điền, Thảo Điền Pearl.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam ít, không nhiều đến nỗi phải áp lực nới “room” (tỷ lệ). Mặt khác, với số ít dự án có tỷ lệ sở hữu đụng "trần,” người nước ngoài sẽ chọn 1 trong 2 phương án thuê trả tiền ngắn hạn hoặc thuê mua nhà dài hạn 50 năm.

“Rất nhiều người nước ngoài có nhu cầu ở Việt Nam nhưng đa phần sẽ chọn thuê nhà vì với quy định người nước ngoài ở quá 180 ngày/năm phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo luật của Việt Nam, họ sẽ không mua sắm tài sản cố định để rồi bỏ phí cả nửa năm không sử dụng,” Chủ tịch HoREA chia sẻ thêm.

Những năm gần đây, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng dần được hoàn thiện. Trong đó Luật Nhà ở 2014 cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, được mua và sở hữu 1 căn nhà trong dự án nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh, trong thời hạn 50 năm và có thể được gia hạn...

Thế nhưng, từ năm 2014, HoREA cũng đã nhận định không nên “ảo tưởng” sẽ có một “làn sóng” người nước ngoài ồ ạt mua nhà ở nước ta. Thực tế số người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 5 năm qua đã chứng minh cho nhận định này.

Bên cạnh đó, phần lớn người châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản… thường lựa chọn thuê nhà. Người nước ngoài có xu hướng mua nhà thường đến từ một số nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore.

Ngoài ra, báo cáo của HoREA cũng lưu ý tới việc Bộ Quốc phòng đã cảnh báo về tình trạng một số người nước ngoài “mua chui” bất động sản, kể cả dùng thủ đoạn nhờ doanh nghiệp hoặc cá nhân người Việt đứng tên mua nhà tại một số địa điểm “nhạy cảm,” có ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh…

Vì thế, HoREA đề nghị giao thẩm quyền cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ người nước ngoài được sở hữu nhà tại đơn vị hành chính cấp phường, để phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.

Trường hợp số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại một đơn vị hành chính cấp phường chiếm tỷ lệ khá lớn (có thề từ 20% trở lên), Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo để Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trước đó, trong tháng 6/2020, Bộ Công an cũng đã có báo cáo, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không phát triển thêm các dự án căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (tourist villa), văn phòng văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), không hợp thức hóa các loại hình này thành nhà ở.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến cảnh báo của Bộ Quốc phòng và kiến nghị của Bộ Công an, HoREA đề nghị chưa cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch. Người nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thì thực hiện theo phương thức đầu tư tài chính theo quy định của Luật Đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục