97% quốc gia trên thế giới sẽ không thể duy trì quy mô dân số vào năm 2100

Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí The Lancet, đến năm 2100, có tới 97% các quốc gia trên toàn cầu sẽ không đạt được tỷ lệ sinh đủ để duy trì quy mô dân số.

Tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm từ 4,84 năm 1950 xuống 2,23 vào năm 2021 và sẽ tiếp tục giảm xuống 1,57 vào năm 2100. (Nguồn: Getty)
Tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm từ 4,84 năm 1950 xuống 2,23 vào năm 2021 và sẽ tiếp tục giảm xuống 1,57 vào năm 2100. (Nguồn: Getty)

Thế giới sẽ chứng kiến ​​sự suy giảm dân số đáng kể với 97% quốc gia không thể duy trì dân số vào năm 2100.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí The Lancet, đến năm 2100, phần lớn các quốc gia trên toàn cầu sẽ không đạt được tỷ lệ sinh đủ để duy trì quy mô dân số.

Để duy trì dân số ổn định, các quốc gia cần có tổng tỷ suất sinh là 2,1 trẻ em trên một phụ nữ, một con số được gọi là mức thay thế. Khi tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức thay thế, quy mô dân số bắt đầu co lại.

Suy giảm dân số nghiêm trọng

Những dự báo mới nhất càng làm nổi bật thêm sự “suy giảm nghiêm trọng” về tỷ lệ sinh toàn cầu trong suốt thế kỷ này mà các chuyên gia cho rằng có cả “ưu và nhược điểm tiềm tàng.”

Phân tích của các nhà nghiên cứu đến từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington ở Mỹ cho thấy có tới 3/4 số quốc gia trên thế giới sẽ không đạt được tỷ lệ sinh đủ để duy trì quy mô dân số vào năm 2050.

Đến năm 2100, tình trạng này sẽ xảy ra ở 97% các quốc gia toàn cầu.

Ước tính tổng tỷ suất sinh toàn cầu sẽ giảm từ 2,23 ca sinh trên mỗi phụ nữ vào năm 2021 xuống còn 1,68 vào năm 2050 và 1,57 vào năm 2100, nghĩa là dân số của hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ giảm vào cuối thế kỷ này, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về địa chính trị, kinh tế và xã hội.

tre em.jpg
Người dân trên khắp thế giới đang có ít con hơn. (Ảnh: Reuters)

Một phân tích trước đây của IHME công bố trên Tạp chí Lancet vào năm 2020 dự đoán rằng dân số thế giới sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2064 ở mức khoảng 9,7 tỷ người và sau đó giảm xuống còn 8,8 tỷ người vào năm 2100.

Trong khi đó, Cơ quan Triển vọng Dân số Thế giới của Liên hợp quốc năm 2022 đưa ra dự đoán tỷ lệ sinh toàn cầu được sẽ giảm xuống còn 2,1 ca sinh trên mỗi phụ nữ vào năm 2050. Dân số thế giới dự kiến sẽ đạt mức cao nhất khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.

“Những gì chúng ta đang trải qua hiện nay và đã trải qua trong nhiều thập kỷ, là điều chúng ta chưa từng thấy trước đây trong lịch sử loài người, đó là một sự thay đổi quy mô lớn, xuyên quốc gia, đa văn hóa theo hướng ưa thích và có những gia đình nhỏ hơn,” Tiến sỹ Jennifer D. Sciubba, một nhà nhân khẩu học, tác giả cuốn sách nói về cột mốc dân số 8 tỷ người của thế giới, cho biết.

Thế giới bị chia rẽ về mặt nhân khẩu học

Mặc dù tỷ lệ sinh được dự báo sẽ giảm mạnh ở hầu hết các nơi trên thế giới, song tốc độ giảm không đồng đều khi tỷ lệ sinh vẫn tương đối cao ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp, chủ yếu ở phía Tây và phía Đông châu Phi cận Sahara.

Stein Emil Vollset, Giáo sư tại IHME và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết thế giới phải đối mặt với "sự thay đổi xã hội đáng kinh ngạc trong thế kỷ 21" do "sự bùng nổ trẻ sơ sinh" ở một số quốc gia này xảy ra đồng thời với tình trạng “không có trẻ sơ sinh” ở những quốc gia khác.

Nghiên cứu cho biết khoảng 77% ca sinh dự kiến ​​sẽ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp vào cuối thế kỷ này.

Ví dụ, 29% trẻ sơ sinh trên thế giới được sinh ra ở châu Phi cận Sahara năm 2021, nhưng con số này được dự đoán sẽ tăng lên hơn 54% vào năm 2100, nghĩa là chỉ riêng khu vực châu Phi cận Sahara sẽ chiếm tới hơn 1/2 trẻ em được sinh ra trên hành tinh vào năm 2100.

tre so sinh.jpg
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc và Serbia là dưới 1,1 con/phụ nữ, thấp nhất thế giới, còn ở Tây Âu, tỷ lệ sinh dự kiến ​​sẽ giảm từ khoảng 1,5 xuống 1,37/phụ nữ vào năm 2100.

Dự báo tỷ lệ sinh này nhấn mạnh những thách thức to lớn đối với tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia có thu nhập trung bình và cao với sự suy giảm lực lượng lao động và gánh nặng ngày càng tăng đối với hệ thống y tế và an sinh xã hội của dân số già.

Trong khi đó, đối với các nước thu nhập thấp có mức sinh và tăng trưởng dân số cao, những thay đổi về nhân khẩu học sẽ làm tăng nguy cơ nghèo đói, mất an ninh lương thực và bất ổn địa chính trị.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các quốc gia cần lập kế hoạch cho tương lai này ngay từ bây giờ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục