"Ác mộng" Brexit của Anh kẹt giữa Mỹ và EU

Đường lối ngoại giao nổi tiếng khó chịu của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã phá vỡ sự tự tin của chính phủ Anh rằng họ có thể có tất cả trong vấn đề thương mại khi rời khỏi Liên minh châu Âu.
"Ác mộng" Brexit của Anh kẹt giữa Mỹ và EU ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May (phải) trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Ellesborough, Tây Bắc London, Anh ngày 13/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP, đường lối ngoại giao nổi tiếng khó chịu của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã phá vỡ sự tự tin của chính phủ Anh rằng họ có thể có tất cả trong vấn đề thương mại khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Anh Theresa May có lẽ đã kỳ vọng vào một thái độ thiện chí hơn từ ông chủ Nhà Trắng khi bà tiếp đón ông tới Anh hồi tuần qua, trong bối cảnh lãnh đạo dân túy này từng công khai thể hiện sự ủng hộ đối với Brexit.

Thay vào đó, Trump lại mỉa mai chính sách của bà trong vụ "ly hôn" với EU tại một cuộc phỏng vấn với tờ The Sun, khiến chính phủ Anh hết sức thất vọng.

Ông cho biết bà May đã phớt lờ lời khuyên của ông về cách đối phó tốt nhất với Brussels, đồng thời còn tán dương vị bộ trưởng ngoại giao mới từ chức của bà.

Ông Boris Johnson đã thà từ bỏ nhiệm sở còn hơn là phải tham gia vào việc đưa nước Anh trở thành “thuộc địa,” sau khi bản kế hoạch chi tiết của bà May về Brexit đã được nội các của bà thông qua.

Johnson, một trong những nhà vận động cho Brexit nổi bật nhất trước cuộc trưng cầu ý dân của Anh hồi tháng 6/2016, cho biết đất nước có thể được “lợi mọi đằng” khi vừa duy trì quan hệ thân thiết với EU, vừa thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mới với phần còn lại của thế giới, trong đó có Mỹ.

Bản kế hoạch chi tiết của bà May, được tung ra trong một Sách trắng của chính phủ hồi tuần qua, biện luận rằng thông qua một hiệp ước với EU, có thể ngăn ngừa sự quay trở lại của một đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland, vốn là một phần của nước Anh.

[Anh khẳng định không có cuộc trưng cầu ý dân lần hai về Brexit]

Tuy nhiên, ông Trump đã công kích quan điểm này trong bài phỏng vấn vừa qua. Ông cho biết kế hoạch của bà May nhằm gắn chặt nền kinh tế Anh với các đối tác châu Âu thời hậu Brexit có thể “giết chết” những hy vọng của họ về một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Các lãnh đạo Anh đều cố gắng gạt sang một bên giọng điệu khó chịu của ông Trump tại buổi họp báo hôm 13/7, khẳng định rằng họ sẽ quyết tâm theo đuổi một hiệp ước hậu Brexit.

Bà May nhấn mạnh London có thể duy trì các điều khoản thương mại thân thiết với cả Brussels lẫn Washington, cho rằng “đó không phải là hai lựa chọn.”

Sự quyến rũ từ một Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Washington đã khuyến khích những người phụ trách Brexit cứng giọng hơn, và củng cố sự sốt sắng của bà May với chuyến thăm của ông Trump bất chấp sự phản đối từ hàng nghìn người biểu tình đang công kích chuyến thăm này.

Theo Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu tại Brussels, đó chính là lý do vì sao Sách trắng của chính phủ bị “che đậy bởi sự mập mờ có tính toán về sự trao đổi hàng hóa.”

Ông nói thêm: “Vấn đề là các FTA không thực sự hấp dẫn đến thế. Có một nhận thức sai lệch rất lớn trong cuộc tranh luận Brexit về cái mà một FTA có thể làm. Rất nhiều lý lẽ mang tính phóng đại và thậm chí là hoàn toàn giả dối.”

Đồng bảng Anh đã giảm 0,6% so với đồng USD sau cuộc phỏng vấn của ông Trump khi mà sự khoa trương về quyền tự quyết Brexit vấp phải thực tế về mối quan hệ kinh tế của Anh.

Fiona Cincotta, chuyên gia phân tích thị trường kỳ cựu tại City Index ở London, nhận định: “Anh không có khả năng giữ mối quan hệ thân thiết với cả Mỹ hay EU, hai đối tác thương mại nước ngoài lớn nhất của mình, và sẽ không thể lựa chọn giải pháp “hai lựa chọn”.”

Tuy nhiên, ngay cả khi Anh có thể tự thoát khỏi mớ bòng bong của những quy định và biểu thuế phức tạp nảy sinh từ hàng thập kỷ làm thành viên EU thì một thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh cũng chỉ là điều "nói thì dễ mà làm thì khó."

 

Ông Trump đã châm ngòi một cuộc chiến thương mại với EU, Trung Quốc và nhiều bên khác.

Chẳng ai dám nói là một nhà đàm phán kinh doanh không khoan nhượng như ông Trump lại có thể dễ tính hơn với Anh, hay có thể giảm thuế cũng như tạo điều kiện tiếp cận nền công nghiệp Mỹ cho nền kinh tế lớn thứ hai EU này.

Những thỏa thuận thương mại tự do đe dọa làm suy yếu các thể chế như Sở Y tế Quốc gia của Anh đã làm dấy lên sự phản đối ở khắp mọi nơi.

Một hiệp ước thương mại EU-Canada mãi mới đàm phán xong được cho là một thành công về chính trị tại châu Âu, và một thỏa thuận Mỹ-EU cũng đang có khả năng thành công.

Như vậy, bà May đang phải đối mặt với một lựa chọn hết sức khó khăn. Mỹ có thể là đối tác thương mại quốc gia lớn nhất và duy nhất của Anh, nhưng xét tổng thể thì cả EU còn là một đối tác lớn hơn nhiều.

Một báo cáo của Berenberg Economics nhận định: “Thoạt nhìn thì cách tiếp cận cực đoan của ông Trump có vẻ lấy cảm hứng từ một tầm nhìn “Nước Mỹ trước tiên”. Trong bất kỳ cuộc đàm phán song phương với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Mỹ đều là bên có ưu thế hơn. Tuy nhiên, Trump có thể là kẻ thù lớn nhất của chính mình. Với việc cùng lúc hành xử với nhiều nước một cách khó chấp nhận và với cả chính những người ủng hộ ông nhất, Trump có thể khiến những nước đó xích lại gần nhau hơn, thay vì có thể chia rẽ họ.”

Thực vậy, các nhà hoạch định chính sách Anh ở cả hai phe đều tận dụng những lời lẽ của Trump để cảnh báo Thủ tướng May vì đã đặt quá nhiều niềm tin vào tổng thống Mỹ khi Anh chuẩn bị rời EU vào tháng 3/2019 tới đây.

Sarah Woollaston, một nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ của bà May, đánh giá: “Nếu như chấp nhận thế giới quan của Trump là cái giá của một thỏa thuận thì thực sự nó không đáng tí nào”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục