ADB cảnh báo thách thức đói nghèo ở châu Á-Thái Bình Dương

Theo ADB, để đối phó với thách thức đói nghèo, các nước trong khu vực cần tập trung hơn cho các nỗ lực tăng cường an ninh lương thực.
ADB cảnh báo thách thức đói nghèo ở châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN))

Báo cáo “Các chỉ số then chốt cho châu Á-Thái Bình Dương năm 2014” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến cáo các quốc gia trong khu vực cần nỗ lực hơn nữa giải quyết vấn đề an ninh lương thực và nền kinh tế dễ bị tổn thương, nhấn mạnh nghèo đói sẽ vẫn là một thách thức hàng đầu đối với khu vực trong thập kỷ tới.

Trong báo cáo công bố ngày 20/8, ADB nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giúp cải thiện đáng kể mức sống trong khu vực và nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, số người nghèo với thu nhập bình quân chưa đến 1,25 USD/người/ngày (tính theo sức mua năm 2005) sẽ giảm 1,4% vào năm 2030 và tỷ lệ nghèo nói chung của khu vực sẽ giảm xuống còn 17,1%, với hầu hết người nghèo sống ở các nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng ADB Shang-Jin Wei - đồng tác giả của báo cáo, cho rằng chuẩn nghèo 1,25 USD/người/ngày không phản ánh đầy đủ thực trạng nghèo đói vì mức này không đủ duy trì phúc lợi tối thiểu ở nhiều nơi trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ADB cho rằng cần bổ sung thêm ba nhân tố để đánh giá mức độ nghèo đói, gồm chi phí tiêu dùng riêng cho người nghèo; giá lương thực - thực phẩm tăng nhanh hơn so với mức giá chung; tính dễ bị tổn thương vì thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và các cú sốc khác.

Theo ADB, nếu tính tác động của ba nhân tố nói trên, tỷ lệ nghèo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2010 sẽ tăng tổng cộng 28,8% lên 49,5%, nghĩa là số người nghèo trong khu vực thay vì là 1,02 tỷ người sẽ là 1,75 tỷ người.

Ông Shang-Jin Wei cho rằng để đối phó với thách thức này, ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các nước trong khu vực cần tập trung hơn cho các nỗ lực tăng cường an ninh lương thực thông qua đảm bảo đáp ứng nguồn cung với các biện pháp như nâng cao năng suất, phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng, mở rộng khả năng tiếp cận và hỗ trợ cho người nghèo, thiết lập quỹ dự trữ lương thực khẩn cấp quốc gia và khu vực. Ngoài ra, các chính phủ cần chú trọng tới những nỗ lực giảm thiểu rủi ro, lập bản đồ rủi ro và rủi ro thiên tai như hệ thống cảnh báo sớm cũng như tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho mọi đối tượng khách hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục