Dù dự báo Việt Nam tăng trưởng kinh tế khả quan, song Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo nếu chậm trễ triển khai vaccine COVID-19 có thể sẽ làm cản trở khả năng trở lại mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch.
Nâng dự báo tăng trưởng kinh tế
Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 vừa được công bố ngày 28/4, tại Hà Nội, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đạt 6,7%.
Con số này cũng cao hơn nhận định 6,3% do ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đưa ra hồi đầu năm.
ADB cũng dự báo báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 7,0% - đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19.
Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh đà tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục mạnh trong năm nay và năm sau.
[Việt Nam: Cứ điểm an toàn và phát triển của dòng vốn FDI]
Theo chuyên gia của ADB, các đánh giá lạc quan này xuất phát từ thành công của Việt Nam trong kìm chế COVID-19. Các động lực tăng trưởng trong năm nay gồm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư công và thương mại.
Cụ thể, công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm % vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý đầu năm với mức tăng 6,3%. Chỉ số PMI tăng 53,6% trong tháng Ba, mức cao nhất tính từ tháng 1/2019. Các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước được dự báo sẽ thành lập mới nhờ có vaccine tạo thuận lợi cho các chuyến gặp gỡ, làm ăn.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Lĩnh vực xây dựng cũng được dự báo sẽ tăng nhanh khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.
Trong khi đó, khu vực dịch vụ được dự báo phục hồi tăng trưởng ở mức 6%, đóng góp 2,3 điểm % vào tăng trưởng GDP. Mức tăng này đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vào vaccine COVID-19, niềm tin kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất thấp.
Khu vực nông nghiệp cũng được ngân hàng này dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực và giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng.
Mặt khác, ADB đánh giá đầu tư gia tăng sẽ là một động lực then chốt trong năm nay và năm sau. Cơ quan này cho rằng việc kiểm soát dịch bệnh và Luật Đầu tư được ban hành hồi đầu 2021 sẽ giảm bớt các rào cản, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân dự báo sẽ phục hồi song song với đầu tư tư nhân và lạm phát thấp. Bán lẻ tăng 5,1% trong quý 1, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi. Lòng tin của doanh nghiệp gia tăng, phản ánh qua kết quả điều tra doanh nghiệp tháng 12/2020 trong đó 80% doanh nghiệp được điều tra dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ khá hơn hoặc giữ ổn định.
Ngân hàng này cũng dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong năm 2021, được hỗ trợ bởi các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp phục hồi.
Chậm triển khai vaccine sẽ gây rủi ro
Tuy vậy, báo cáo chỉ ra rằng nền kinh tế sẽ chỉ có thể quay trở lại với mức tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch nếu như kiểm soát được COVID-19. Bên cạnh đó, điều này cũng có thể bị cản trở bởi tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 diễn ra không đồng đều trên toàn cầu, trong khi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào thương mại quốc tế.
“Nếu chậm trễ trong triển khai vaccine COVID-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch, khi tính đến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài,” ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên gia ADB nhấn mạnh.
Cơ quan này cũng cảnh báo sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất.
Ngoài ra, báo cáo của ADB cũng chỉ ra thách thức chính sách lớn nhất của Việt Nam chính là giảm bớt tác động của đại dịch lên nghèo đói và thu nhập. Báo cáo kêu gọi Chính phủ Việt Nam áp dụng chiến lược bền vững, dài hạn để giúp đỡ cho sinh kế của người nghèo và người dễ bị tổn thương thông qua những biện pháp như đào tạo nghề và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô cho các doanh nghiệp mới. Việc này giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế bao trùm./.