Lạm phát vẫn ở mức cao

ADB dự báo lạm phát tại Việt Nam vẫn ở mức cao

Tại báo cáo Triển vọng phát triển châu Á, ADB đưa ra dự báo lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 13,3% trong 2011.
Ngày 6/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2011), tại báo cáo này ADB đã có những dự báo về tình hình lạm phát và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.

Giảm mức dự báo tăng trưởng


ADB đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đưa ra những biện pháp chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô thông qua Nghị quyết 11 được ban hành vào tháng 2 năm 2011.

ADB cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam ở mức 6,8% trong năm 2010, trong bối cảnh hồi phục kinh tế toàn cầu và điều tiết chính sách tiền tệ. Tăng trưởng tiêu dùng tăng mạnh ở mức 9,7% đã kích thích đầu tư cho khu vực tư nhân, cùng với lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng ở mức 7,7% và dịch vụ tăng 7,5%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ADB, việc thực hiện Nghị quyết 11 sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn nhưng Chính phủ phải tiếp tục thực hiện trong khi lạm phát cần có thời gian để giảm dần.

ADO 2011 đã giảm mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2011 xuống còn 6,1% so với mức dự báo 7,0% được đưa ra vào tháng 9/2010. ADB cũng dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ tăng trở lại lên mức 6,7% trong năm 2012, khi mà môi trường kinh tế ổn định hơn có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư.

Các dự báo cũng tính đến những biến chuyển trong quý I của năm 2011. Số liệu sơ bộ cho thấy GDP đã tăng 5,4% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2011, giảm đi so với mức tăng 7,3% trong quý IV của năm 2010.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam thừa nhận, ADB đang hạ thấp mức dự báo tăng trưởng cho năm 2011 so với dự báo lần trước. ADB cũng biết rằng một vài người có thể thấy những con số này đáng thất vọng. Nhưng nếu Việt Nam số gắng tăng trưởng nhanh hơn, e rằng lạm phát sẽ không thể được kiểm soát một cách hiệu quả.

“Chính phủ nên tăng cường cải tổ, đặc biệt đối với doanh nghiệp Nhà nước. Tập trung cải thiện tình hình quản lý và sự hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp này để chúng ta có thể đóng góp hiệu quả vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam,” ông Ayumi Konishi nhấn mạnh.

Dự báo lạm phát vẫn ở mức cao

Tại báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2011, ADB đưa ra dự báo lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 13,3% trong suốt năm 2011, trước khi giảm xuống mức trung bình 6,8% trong năm 2012.

Theo ADB, dự báo trong quý III lạm phát sẽ lên mức cao nhất khoảng 16%.

Nguyên nhân làm lạm phát tiếp tục tăng (mức trung bình trong quý I của năm là 10,3%) là do tác động của việc thông qua điều chỉnh tỷ giá tiền Việt Nam đồng gần đây cùng với việc tăng giá điện có kiểm soát (tăng 15,3%) và xăng dầu (tăng khoảng 30%) vào tháng 3, cũng như hiệu ứng mức lạm phát so sánh thấp của giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2010.

Theo ông Ayumi Konishi: “Do mức lạm phát tính theo tháng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 năm ngoái rất thấp nên sẽ rất khó để lạm phát tính theo tháng của năm nay xuống thấp hơn mức của năm ngoái. Điều này có nghĩa cho dù có thực hiện thành công Nghị quyết 11, tỷ lệ lạm phát cả năm của Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng và không giảm, ít nhất trong vòng vài tháng tới. Việc giảm tỷ lệ lạm phát cả năm xuống một con số vào cuối năm nay đòi hỏi tỷ lệ lạm phát trung bình tháng từ giờ đến hết năm phải dưới 0,4%. Điều này rất khó khăn song vẫn có thể đạt được.”

Còn ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia cho biết, những rủi ro đối với đánh giá tổng quan tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết 11. Việc thắt chặt chính sách không tốt hoặc thả lỏng quá sớm – hoặc lầm tưởng thả lỏng – đối với các chính sách sẽ duy trì lạm phát ở mức cao lâu hơn và có thể dẫn tới việc mất giá trị các tài khoản bên ngoài. Một kết quả như vậy có thể phải cần tiếp một gói chính sách thắt chặt mới trong vòng một hoặc hai năm.

Ông Dominic Mellor cũng đưa ra một rủi ro khác nữa là sự tăng mạnh trong trái phiếu tín dụng trong nước, khoảng 100 tỷ USD trong giai đoạn 2007-2010, đã làm tăng những lo ngại về chất lượng tài sản ngân hàng, cũng như khả năng rủi ro của ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản và các doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, tỷ lệ vay bằng đồng USD đã tăng mạnh vào đầu năm 2010 khi mà người đi vay lợi dụng những quy định mới cho phép doanh nghiệp có doanh thu bằng Việt Nam đồng được vay USD (với lãi suất thấp hơn Việt Nam đồng). Nhưng việc cho vay này cũng đi kèm với một rủi ro về tiền tệ, và sau những lần phá giá tiền đồng, một số doanh nghiệp đang phải đối mặt với số nợ lớn hơn quy đổi ra tiền Việt Nam đồng.

Còn một rủi ro nữa cũng được ADB đề cập là nguồn cung các bộ phận lắp ráp từ Nhật Bản cho ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, hoặc việc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, có thể bị dừng lại do ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần ngày 11/3 có thể kéo dài hơn so với dự đoán hiện nay.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ADB, nhìn chung việc thay đổi về chính sách trong năm nay của Việt Nam đã giảm được những rủi ro trong nước. Đánh giá về trung hạn vẫn khá tích cực, với điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô được khôi phục và duy trì. Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có vị thế tốt để hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc.

Hiện chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc một số dòng vốn FDI sẽ chuyển hướng sang các nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Giám đốc quốc gia ADB nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế ngay từ bây giờ để làm sâu rộng hơn sự hội nhập khu vực và những chuỗi giá trị toàn cầu. Sự ổn định và hiệu quả sẽ có tác động cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục