Trong vài năm gần đây, Việt Nam là nước vay ưu đãi lớn thứ 3 của ADB, sau Bangladesh và Pakistan. Các dự án, chương trình phát triển do ADB tài trợ cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, cải cách chính sách và tăng cường thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Nguồn vốn này không chỉ giúp Việt Nam phát triển kinh tế xã hội mà còn giúp hệ thống ngân hàng tăng khả năng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý tài chính, đặt nền móng phòng chống rửa tiền... qua đó, nâng cao vị thế của ngành ngân hàng Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới. Thể thức tài trợ tín dụng ngày càng đa đạng Từ khi nối lại hoạt động năm 1993, ADB đã cấp cho Việt Nam 94 khoản vay thuộc khu vực công với tổng số tiền 8,3 tỷ USD. Mức cho vay của ADB dành cho Việt Nam trước đây là khoảng 250-300 triệu USD mỗi năm, sử dụng vốn vay ưu đãi của Quỹ Phát triển châu Á (ADF). Kể từ năm 2004 khi Chính phủ và ADB ký hiệp định cho vay bằng nguồn vốn thông thường (OCR) đối với một số ngành chọn lọc có nguồn thu ngân sách thì mức cho vay đã tăng mạnh, tăng từ 1 tỷ USD năm 2008 lên đến 2,3 tỷ USD năm 2009 và 1,5 tỷ USD năm 2010. Đối với khu vực tư nhân, ADB đã cấp 11 khoản vay với tổng giá trị là 305 triệu USD. Trong năm 2010, số vốn cho vay khoảng 4,1 tỷ USD (3,5 tỷ USD từ nguồn vốn OCR và 0,6 tỷ USD từ ADF). Ngoài các chương trình, dự án vay vốn, ADB đã tài trợ cho Việt Nam 229 hỗ trợ kỹ thuật với tổng trị giá 116,9 triệu USD bằng vốn không hoàn lại, trong đó, khoảng 2/3 đã kết thúc và đã đem lại nhiều kết quả và lợi ích thiết thực cho các bộ, ngành và cơ quan quản lý dự án. Cơ cấu vốn vay chủ yếu là từ nguồn vốn ưu đãi ADF (kỳ hạn 32 năm, 8 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm trong thời gian ân hạn và 1,5%/năm trong các năm sau đó), tuy nhiên Việt Nam bắt đầu vay nguồn vốn OCR (kỳ hạn 25 năm, 5 năm ân hạn, lãi suất dựa trên lãi suất thị trường LIBOR cộng với một khoản phí chênh lệch của ADB) vào năm 2005 cho các dự án có tầm quan trọng quốc gia như điện, đường cao tốc… Thể thức tài trợ của ADB ngày càng đa dạng hơn, ngoài các khoản vay dự án truyền thống và từ nguồn ưu đãi (ADF), ADB đã triển khai các thể thức cho vay mới đối với Việt Nam (như cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ khắc phục tác động khủng hoảng (CSF), nguồn vốn thông thường (OCR), khoản vay chương trình tài trợ trực tiếp cho ngân sách, khoản vay tài trợ nhiều kỳ, chương trình tài trợ và bảo lãnh thương mại, các khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản vay trong chương trình Tiểu vùng sông Mêkông (GMS)...) nhằm hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như cơ sở hạ tầng, năng lượng, phát triển nông thôn và thuỷ lợi, các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục... Hỗ trợ của ADB đã góp phần giải quyết nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, nâng cao năng suất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân, hiện đại hoá hành chính công, phát triển khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong việc chống tham nhũng và bình đẳng giới. Nâng cao năng lực quản lý tài chính của ngân hàng Nhằm hỗ trợ một cách liên tục và dài hạn cho sự phát triển của khu vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam thông qua các biện pháp cải cách chính sách, ADB đã và đang tài trợ cho Việt Nam chuỗi các khoản vay chương trình ngân hàng tài chính I, II và III. Tiếp theo sau Khoản vay chương trình ngân hàng tài chính I (tổng trị giá 75 triệu USD, triển khai thực hiện trong các năm 1997-1999), ADB đã tài trợ cho Việt Nam Khoản vay chương trình ngân hàng tài chính II (gồm 2 Tiểu chương trình 1 và 2 tổng trị giá 85 triệu USD, triển khai thực hiện trong các năm 2003-2005 và 2005-2007 tương ứng). Hiện, Khoản vay ngân hàng tài chính III, Tiểu chương trình 1 trị giá 75 triệu USD do ADB tài trợ đã hoàn tất việc rút vốn về ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển ngành tài chính – ngân hàng. Thông qua các chương trình này, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách nhà nước, các hoạt động đối thoại chính sách của chương trình đã tăng cường sự nhận thức, hiểu biết, minh chứng về quyết tâm thực hiện đổi mới và tiến trình cải cách của cả ADB và Chính phủ Việt Nam. ADB cùng với các nhà tài trợ khác (như Cơ quan Phát triển Pháp AFD) đã và đang tiếp tục tài trợ cho lĩnh vực tài chính vi mô nhằm hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải pháp về củng cố, phát triển và tăng cường quản lý các tổ chức tài chính vi mô. Khoản hỗ trợ kỹ thuật của ADB trị giá 250.000 USD được thực hiện trong giai đoạn 2006-2008 giúp Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động lành mạnh của các tổ chức tài chính vi mô, đặc biệt tập trung hỗ trợ Ngân hàng nhà nước xây dựng dự thảo khuôn khổ quy chế và giám sát tài chính vi mô nhằm khuyến khích các tổ chức này phát triển, ổn định về tài chính để góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Năm 2009, ADB và AFD đã tiến hành xây dựng và hoàn chỉnh nội dung cho hai hỗ trợ kỹ thuật với mức tài trợ dự kiến 1,5 triệu USD cho hỗ trợ kỹ thuật của ADB và khoảng 800.000 euro cho hỗ trợ kỹ thuật của AFD. Chương trình này sẽ hỗ trợ chuyển đổi tối đa 5 tổ chức tài chính vi mô hoạt động theo Nghị định 22 và 165, đồng thời tăng cường môi trường pháp lý và đào tạo cho cán bộ của Ngân hàng Nhà nước và cán bộ của các tổ chức tài chính vi mô. Đặt nền tảng phòng chống rửa tiền Khoản vay ngân hàng tài chính của ADB cũng đã góp phần quan trọng trong việc đặt nền tảng cho lĩnh vực phòng chống rửa tiền tại Việt Nam thông qua sự ra đời của Nghị định của Chính phủ về phòng chống rửa tiền và Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền đặt tại Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, cũng thông qua các cam kết trong khuôn khổ khoản vay ngân hàng tài chính, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về Phòng chống rửa tiền (APG). Nhận thức của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng nói chung cũng như của công chúng nói riêng về các vấn đề phòng, chống rửa tiền đã dần được nâng cao. Sau khi Nghị định về phòng chống rửa tiền được ban hành, ADB đã tiếp tục tài trợ cho Việt Nam khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 500.000 USD nhằm hỗ trợ hướng dẫn thực hiện Nghị định, đào tạo và tập huấn cho các cán bộ cơ quan chính phủ và các tổ chức tín dụng về phòng, chống rửa tiền. Việc thiết lập và đưa vào vận hành cơ chế phòng chống rửa tiền, gia nhập tổ chức khu vực về phòng chống rửa tiền đã góp phần tích cực trong quá trình hội nhập của Việt Nam, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên thế giới./.
Số cổ phần của Việt Nam tại ADB là 12.076 cổ phần (chiếm 0,341%) tương đương với 25.308 quyền bỏ phiếu (chiếm 0,571%) thuộc nhóm các nước được vay chủ yếu từ nguồn vốn ưu đãi (ADF) và vay một phần từ nguồn vốn vay thông thường (OCR). Tháng 4/2009, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận cho đợt tăng vốn lần V của ADB với mức tăng cổ phần tương ứng của các thành viên được phân bổ là 200% nhằm hỗ trợ ADB củng cố nguồn lực để tiếp tục duy trì vai trò đối tác phát triển hàng đầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường khả năng đáp ứng đối với nhu cầu đầu tư các quốc gia thành viên vay cũng như đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia vay mới. |
Xuân Minh (Vietnam+)