ADB viện trợ 1 triệu USD giúp phát triển đường bộ

Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường hiệu quả trong quản lý giao thông đường bộ.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu USD cho Việt Nam nhằm giúp tăng cường hiệu quả trong quản lý giao thông đường bộ và thu hút đầu tư cho giao thông đường bộ.

Khoản tiền trên, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, sẽ giúp Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan củng cố các thỏa thuận tài chính và thể chế, hoạt động vận hành, duy tu và quản lý.

Trong đó việc củng cố tổ chức trung và dài hạn cho Cơ quan Quản lý Đường cao tốc của Việt Nam sẽ được xây dựng thành kế hoạch.

Bên cạnh đó sẽ đánh giá nghiên cứu việc huy động vốn cho dự án Đường cao tốc Bắc Nam của Việt Nam, một dự án phát triển đường bộ quy mô lớn ước tính trị giá 17,9 tỷ USD bao gồm 1.811km đường cao tốc kéo dài từ Hà Nội vào Cần Thơ.

Những phương án huy động vốn có thể bao gồm quan hệ đối tác nhà nước-tư nhân (PPP), hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn của chính chủ. Các thỏa thuận PPP sẽ được đánh giá kỹ lưỡng tại cấu phần phía Nam của dự án trên đoạn đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ. Dự án này đã được tính đến trong nguồn vốn hỗ trợ của ADB.

Khoản hỗ trợ kỹ thuật trên sẽ giúp cải thiện hiệu quả về chi phí của các dự án đường bộ thông qua việc giảm chi phí vòng đời và nâng cao độ bền vững của các con đường cao tốc cũng như các con đường quốc lộ và tỉnh lộ.

Những hướng dẫn cũng sẽ được phát triển để củng cố việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải có liên quan tới những dự án do ADB tài trợ.

Ông Masahiro Nishimura, chuyên gia về Giao thông thuộc Tổng Vụ Đông Nam Á của ADB cho biết: “Việt Nam cần thu hút đầu tư nhiều hơn nữa cho giao thông đường bộ. Sự tham gia của khu vực tư nhân, hiện vẫn đang phát triển, là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài chính to lớn giữa nhu cầu về cơ sở hạ tầng và ngân sách sẵn có.”

Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, ước tính cần phải có 16 tỷ USD mỗi năm dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng mới kể từ năm 2011 đến 2020, hoặc 20% của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự tính.

Tại Việt Nam, đầu tư cho giao thông và liên lạc ngày càng phát triển nhanh, chiếm tới 4,5% GDP, tăng gấp hơn hai lần so với mức năm 2004. Tuy nhiên, lĩnh vực này cần phải giải quyết vấn đề hiệu quả nếu muốn đáp ứng được nhu cầu về cơ sở hạ tầng.

Chính phủ sẽ đóng góp 150.000 USD vốn đối ứng vào tổng chi phí ước tính khoảng 1,15 triệu USD của khoản hỗ trợ kỹ thuật và Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật này, dự kiến sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 8/2011./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục