Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, các nhà khảo cổ Ai Cập và Italy vừa phát hiện các tàn tích của một thành phố cổ có niên đại từ hơn 2.000 năm trước đây bị chôn vùi dưới những lớp bùn dày của sông Nile.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Mamdouh el-Damaty cho biết các nhà nghiên cứu thuộc bộ này cùng các chuyên gia thuộc Trung tâm Phục hồi và Khảo cổ Italy-Ai Cập, các trường đại học Padova và Siena của Italy đã tiến hành một cuộc điều tra và phát hiện thành phố cổ nói trên gần thị trấn Rosetta thuộc tỉnh Beheira ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile.
Nhóm các nhà khảo cổ nói trên đã tìm thấy nhiều tòa nhà nằm xung quanh một công trình kiến trúc lớn hình chữ nhật, nhiều khả năng là đền thờ chính của thành phố.
Kết quả các cuộc khảo sát này cũng cho thấy bố cục 2 phần riêng biệt của thành phố cổ.
Phần hạ lưu được cho là có niên đại từ đầu thời kỳ Hy Lạp hóa (332-30 năm trước Công nguyên), trong khi phần thượng lưu nhiều khả năng có niên đại từ cuối thời kỳ Hy Lạp hóa - đầu thời kỳ Đế chế La Mã (năm 30 trước Công nguyên - năm 395 sau Công nguyên).
Trưởng nhóm khảo cổ người Ai Cập, tiến sỹ Mohamed Kenawy, cho biết kết quả khảo sát ban đầu tại thành phố cổ này cho thấy thành phố này có thể đã được xây dựng trong thời kỳ Hậu nguyên (664-332 năm trước Công nguyên) và kéo dài tới thời kỳ Đế chế La Mã./.