AIPA 41: Gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển khẳng định hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác của khu vực.
AIPA 41: Gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19 ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chào mừng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), sáng 9/9, Ủy ban Kinh tế tổ chức họp theo hình thức trực tuyến.

Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu có: Đoàn Nghị sỹ các nước thành viên AIPA; Tổng Thư ký AIPA.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc họp.

Phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển khẳng định hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác của khu vực.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN có mục tiêu tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh; thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tạo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho biết từ khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 đến nay, lĩnh vực hợp tác kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng; đồng thời hy vọng trong thời gian tới, việc hội nhập tiếp tục phát huy sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu khả quan hơn.

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hoan nghênh các nước thành viên AIPA tán thành quyết định chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19." Đây là chủ đề mang tính thiết thực, có tính thời sự cấp bách với mọi quốc gia thành viên AIPA và khu vực ASEAN.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn các nước thành viên sớm vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn Ủy ban Kinh tế AIPA sẽ gợi mở, đưa ra được khuyến nghị để các nước thành viên chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp; đề xuất giải pháp nhằm gắn kết, phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Các kết quả thảo luận tích cực với nhiều sáng kiến trên tinh thần xây dựng và hợp tác góp phần đem lại thành công cho Đại hội đồng AIPA 41.

Đánh giá cao sự nỗ lực của tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lào Bounpone Sisoulath khẳng định Nghị viện có vai trò quan trọng trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế các nước thành viên ASEAN sau dịch COVID-19.

Đại diện Lào tin tưởng Dự thảo Nghị quyết sớm được thông qua để thúc đẩy sự đoàn kết của ASEAN trong việc phục hồi kinh tế nói riêng, phát triển cộng đồng trong khu vực nói chung.

[AIPA 41: Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong ngày làm việc thứ hai]

Nhấn mạnh sức tàn phá của dịch COVID-19, đại diện đoàn Singapore cho rằng cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, ổn định đời sống người dân trong thời gian tới.

Đánh giá cao nội dung Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Kinh tế AIPA, Singapore kêu gọi các nước thành viên đoàn kết để bảo vệ mạng sống và xây dựng lại sinh kế cho người dân. Trong cuộc chiến, mỗi nước đều xây dựng chính sách riêng, phù hợp với tình hình đất nước để giải quyết khó khăn do dịch bệnh gây ra. Do đó, các nước thành viên có thể học hỏi, cùng tìm ra biện pháp phù hợp với đất nước, đồng hành cùng người dân trong giai đoạn khó khăn.

Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đại diện đoàn Campuchia cho biết Campuchia đã thực hiện nhiều biện pháp hướng dẫn y tế chặt chẽ, tránh tình trạng phải đóng cửa toàn quốc; triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tài chính, phát triển kinh tế số…

AIPA 41: Gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19 ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam Vũ Hồng Thanh điều hành hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chính phủ thông qua một loạt dự án về cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế. Trong thế giới toàn cầu hóa, không có nước nào có thể tồn tại một mình, đặc biệt trong tình hình khủng hoảng như hiện nay. Do đó, đại diện Campuchia cam kết là một thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có đóng góp tích cực cho ASEAN, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện đoàn Việt Nam mong muốn Cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện một chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi như: thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin du lịch, sức khỏe và các biện pháp cần thiết kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19; nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN...

Đồng thời, Việt Nam đề xuất rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, đại diện đoàn Việt Nam đề xuất thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020; tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số…; tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hợp tác tiểu vùng Mekong và các tiểu vùng khác của ASEAN...

Tại cuộc họp, các Nghị viện thành viên AIPA đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục