Ấm áp câu chuyện Tết xưa của những người làm báo thông tấn

Tết Ất Mùi năm 1955, VNTTX từ chiến khu trở về Hà Nội, vừa tiếp quản trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt được mấy tháng. Tết đầu tiên tại Hà Nội, VNTTX đã nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của Bác Hồ.
Ấm áp câu chuyện Tết xưa của những người làm báo thông tấn ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia 'Tết trồng cây' với nhân dân xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) ngày 16/2/1969. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trước thềm năm thứ 70 của cơ quan Thông tấn, xin được kể lại đôi câu chuyện Tết xưa của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), dựa trên hồi ức của những nhà báo thông tấn.

Cách đây 60 năm, tròn một thập hoa giáp, Tết Ất Mùi năm 1955, VNTTX từ chiến khu trở về Hà Nội, vừa tiếp quản trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt được mấy tháng. Tết đầu tiên tại Hà Nội, VNTTX đã nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khoảng 7 giờ 30 phút sáng mồng 1 Tết, cơ quan Thông tấn vinh dự nhận điện thoại chúc Tết của Bác Hồ. Nhà báo Nguyễn Ðình Cao, trực ban mồng 1 Tết năm đó, lúc còn sống đã kể lại câu chuyện đầy xúc động: “7 giờ 30 sáng, bỗng nghe tiếng điện thoại reo vang, tôi cầm ống nghe lên, bên kia nói: ‘Bác Hồ đây! Năm mới, Bác chúc VNTTX phát tin nhanh, kịp thời, tin tốt, tin nhiều và đảm bảo sự thật. Bác gửi lời chúc toàn thể cán bộ, công nhân viên chức VNTTX năm mới cố gắng mới, thành công mới. Cháu báo cáo lại với đồng chí Giám đốc Hoàng Tuấn và tất cả anh chị em trong cơ quan lời chúc năm mới của Bác nhé’. Tôi vẫn cầm chặt ống nghe áp mãi vào tai như muốn nghe mãi âm vang lời Bác."

Cũng vinh dự được trực tiếp nghe lời căn dặn của Bác, nhà báo Nguyễn Tiến Lực, nguyên Trưởng phân xã Hà Tuyên, lại có một kỷ niệm khác, được ghi lại trong cuốn sách “Thông tấn xã Việt Nam - nửa thế kỷ một chặng đường.”

Một buổi trưa mùa Xuân năm 1954, khi đang trên đường làm nhiệm vụ chuyển bản tin của T6, tức là của VNTTX, tới lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, ông được gặp Bác Hồ cùng đoàn cán bộ đang dừng chân nghỉ ngơi. Quá bất ngờ vì chưa bao giờ được gặp Bác, lại nghe Bác đề nghị cho nhận tin giữa đường, ông không khỏi bối rối: “Thưa cụ, cụ tên là gì ạ? Ðúng tên thì cháu đưa! Ông già bật cười thành tiếng và nói rất vui: Tên là… là… ông Dũng (bí danh của Bác Hồ)! Ðược chưa nào? Tôi sửng sốt, sung sướng đến bủn rủn cả chân tay và cũng bật thành tiếng kêu lên: Bác, Bác Hồ! Bác Hồ!”

Với ông, câu chuyện như vừa mới diễn ra: “Vừa trò chuyện, Bác vừa bóc bì tin và xem lướt rất nhanh. Bác thông báo cho mọi người xung quanh: Tình hình Ðiện Biên Phủ hay lắm. Mỗi ngày diễn biến mỗi khá và có lợi cho ta nhiều. Nói đoạn, Bác cho bản tin vào túi rồi cầm lấy gậy. Bác đứng lên giục mọi người đi tiếp. Tôi rất xúc động vì trước khi rảo bước, Bác còn bảo tôi đưa sổ công văn cho Bác ký nhận. Ký xong, Bác vừa giao lại sổ vừa căn dặn tôi: Cháu hãy đưa tin cho Bác nhanh hơn nữa nhé. Tin càng nhanh, kháng chiến thắng lợi càng mau!”.

Sinh thời, rất nhiều lần Bác Hồ thăm hỏi, chỉ dạy, động viên VNTTX, từ việc lớn tới việc nhỏ. Lần đầu tiên Bác Hồ đến thăm cơ quan VNTTX là một ngày xuân năm 1952, cách đây 63 năm, vào thời điểm ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.

Buổi chiều Xuân khí trời hơi lạnh. Bóng vàng tắt nhanh trên những khu rừng bát ngát. Mọi người trong cơ quan đều đã xuống nhà ăn ở cạnh suối để ăn cơm. Nhà báo Ðinh Chương, nguyên phóng viên Chính trị-ngoại giao VNTTX, kể lại trong bài viết “Lời Bác dặn Thông tấn xã”: Bác đi thẳng vào nhà ăn. Anh chị em vội vàng bỏ bát đũa và chạy đến vây quanh Bác. Bác tươi cười hỏi han, vào thăm bếp rồi quay vòng ra phía sau. Chợt Bác hỏi:

- Chuồng lợn các chú ở chỗ nào?

Những cặp mắt lo lắng nhìn nhau vì trong chuồng không còn lợn. Lúc đó, mọi người có thể nghe được nhịp đập của trái tim mình còn rõ hơn là tiếng suối róc rách ở cách đó mười bước.

Nhìn vào cái chuồng trống không, Bác nghiêm nét mặt:

- Tại sao chuồng lợn mà không có con lợn nào cả thế này ?

- Thưa Bác, hôm Tết thịt cả rồi ạ! Anh em trả lời.

- Như thế là không tốt, ăn lứa này thì phải nuôi ngay lứa khác chứ!

Nhìn vườn rau cuối vụ xác xơ, chỉ còn lơ thơ vài chục cây bắp cải, Bác tỏ vẻ không bằng lòng.

- Các chú tăng gia sản xuất kém lắm!

Ai nấy đều nín lặng tiếp thu lời phê bình và dạy bảo ân cần của Bác.

Ðêm ấy, Bác ngủ lại và nói chuyện thân mật với anh chị em cán bộ, phóng viên, công nhân, nhân viên đang học tập chính trị.

Ðêm xuống trời lạnh dần, nhưng lòng mến yêu và niềm phấn khởi được Bác đến thăm cứ tỏa ấm ngọn đồi T6.”

Ấm áp câu chuyện Tết xưa của những người làm báo thông tấn ảnh 2Phóng viên VNTTX Võ Thế Ái (người đi sau Bác Hồ) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Đăng Khoa đi thăm đập Thác Huống (Thái Nguyên) Xuân 1955. (Ảnh Tư liệu)

Nói đến những cái Tết của phóng viên VNTTX không thể không nhắc đến việc trực Tết. Trong cuộc đời cầm máy ảnh của mình, nhà báo Đinh Quang Thành không bao giờ quên đêm 30 Tết Mậu Thân năm 1968, khi ông được phân công chụp ảnh Bác Tôn Đức Thắng chúc Tết Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tại trụ sở ở đường Tràng Thi.

Ông đã kể lại câu chuyện khó quên này trên một bài viết trong cuốn sách “Thông tấn xã Việt Nam-nửa thế kỷ một chặng đường.”

“Sau tiếng pháo mừng Xuân là tiếng pháo tay mừng thọ Bác Tôn của hàng trăm đại biểu các nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ và đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đứng cạnh cành đào năm mới hoa đào đang thắm, Bác Tôn đọc bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ Tịch, rồi Bác chúc Tết các đại biểu và gửi lời chúc đến mọi gia đình. Bác cầm ly rượu nhỏ đi quanh phòng, chạm cốc mừng Xuân đại biểu. Đèn chụp ảnh của tôi chớp sáng nhiều lần.

Bỗng, Bác Tôn dừng lại quay sang phía tôi: "Cháu còn phải chụp ảnh, lát nữa Bác chúc rượu.” Thấy hình ảnh ghi được đã đủ, tôi khiêm tốn đứng ở góc phòng họp, quan sát để không bỏ sót hình ảnh sinh động nào trong đêm mừng xuân ấy, thì Bác Tôn đi về phía tôi, hai tay cầm hai ly rượu. Bác trao cho tôi một ly và hỏi:

- Cháu có vợ con chưa?

- Thưa Bác, cháu có một con.

Nghe tôi thưa, Bác quay lại chiếc bàn gần đó, cầm hai chiếc kẹo, rồi nói: ‘Cốc rượu xuân Bác mừng cháu, còn kẹo cháu mang về chia cho vợ và con’. Lòng lâng lâng vì xúc động và vì men rượu đêm Xuân của Bác Tôn cho, tôi vội đưa phim về cơ quan tráng rồi phóng xe ra cửa hàng Bách hóa Tràng Tiền, mua vội một bánh pháo, lao về nhà, chia niềm vui với vợ con, líu tíu kể chuyện với mọi người trong tiếng pháo giao thừa nổ ran.”

Đôi câu chuyện cũ về ngày Tết của VNTTX kể lại làm ấm lòng những người làm báo Thông tấn ngày nay. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, dù bận trăm công ngàn việc vẫn luôn quan tâm đến cơ quan thông tấn quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục