"Âm thầm bớt việc", một trào lưu mới nổi của thế hệ Gen Z

Một trào lưu mới đang nở rộ trên mạng xã hội TikTok, với nội dung khuyến khích những người trẻ tuổi giảm bớt năng suất lao động.
"Âm thầm bớt việc", một trào lưu mới nổi của thế hệ Gen Z ảnh 1Người trẻ thuộc Gen Z thích một công việc cân bằng hơn và họ thể hiện mong muốn qua trào lưu mới. (Nguồn: Miami Heralds)

“Âm thầm bớt việc” (quiet-quitting) ” hiện là một hashtag đang thu hút hơn 3.9 lượt hưởng ứng trên mạng xã hội TikTok. Đây là một xu hướng mới, được tạo ra với mong muốn giúp cho người đi làm trẻ tuổi có thể giảm bớt các gánh nặng công việc, vốn dễ gây cho họ những áp lực về sức khỏe tinh thần.

 “Tôi chỉ làm việc vừa đủ số giờ theo hợp đồng trả lương thôi,” Page West, một phụ nữ 24 tuổi chia sẻ với tờ Wall Street Journal. “Tôi sẽ không làm thêm giờ nữa đâu.” Theo lời West, ở chỗ làm trước, áp lực công việc lớn đã khiến cho cô bị stress nặng và rụng tóc.

“Họ không theo đuổi thứ văn hóa hối hả, hết mình vì công việc ở chỗ làm nữa… Họ chỉ làm theo đúng mức lương được trả theo giờ mà thôi.” người dùng TikTok có tên Allison Peck nói trong một đoạn video TikTok về trào lưu mới.

Người ủng hộ trào lưu mới hầu hết là người trẻ thuộc thế hệ Gen Z, cùng một số người làm việc lâu năm. Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với phong cách làm việc này. 

Kelsey Wat, một chuyên gia hướng nghiệp và cũng là một TikToker nổi tiếng,  chia sẻ mối lo lắng của cô về quiet quitting trong một đoạn video. “ Mọi người tham gia trào lưu âm thầm bớt việc đều có lý do. Nhưng riêng tôi lại không thấy nó thực sự lành mạnh. Đối với bản thân tôi, âm thầm bớt việc chỉ là một cách đối phó với một công việc tệ hại thôi,” Watt cho biết.

Thay vào đó, cô ủng hộ người lao động phản ánh xem công việc họ đang làm có thực sự phù hợp với các giá trị cá tính của bản thân hay không. Nếu tự thấy không phù hợp, có lẽ đã đến lúc thay đổi công việc.

Đồng quan điểm, TikToker Emily Smith nói trong video của cô: “Âm thầm bớt việc chỉ làm hại bạn, gây lãng phí vốn thời gian ở công ty hiện tại. Các chuyên gia khác cũng đặt ra nhiều câu hỏi về từ "bớt việc" trong trào lưu, rằng liệu nó có thực sự tạo nên những tác động tích cực. 

Shini, một nhân viên phát triển phần mềm với tài khoản TikTok @Baobao.farm, cho rằng khái niệm của quiet quitting chỉ đơn giản là làm việc một cách lành mạnh và làm vừa đủ vai trò của mình trong công việc mà thôi.

Hãy làm đúng việc của bạn, Shini cho biết. “Tôi cảm thẩy từ này khá bình thường, nó chống lại tình trạng tham công tiếc việc ở chỗ làm,” Shini chia sẻ. Trên trang thông tin cá nhân tại TikTok, cô cũng ghi rõ: “Tôi viết code để trả tiền các hóa đơn”, qua đó nhấn mạng một lối suy nghĩ khá phổ biến của thế hệ Z rằng công việc chỉ để phục vụ đời sống cá nhân, chứ không có chuyện hy sinh bản thân vì công việc.

"Âm thầm bớt việc", một trào lưu mới nổi của thế hệ Gen Z ảnh 2Quiet quitting chống lại văn hóa tham công tiếc việc và cống hiến quá mức cho công ty. (Nguồn: Miami Heralds)

Shini cũng cho biết cô từng rất tham vọng nhảy việc nhiều nơi. Nhưng nay cô đã dừng lại và thậm chí còn nhận được các phản hồi tích cực hơn ở công ty hiện tại.

Trong cuộc trao đổi với Wall Street Journal, chuyên gia Elise Freedman nói rằng những người thích âm thầm bớt việc, hoặc ít gắn bó với công việc của họ, có thể đối mặt rủi ro bị sa thải. “Việc một công ty mong nhân viên cống hiến hết mình là điều hoàn toàn hợp lí,” Freedman nói.

Tuy nhiên, một số người lao động thuộc thế hệ Z lại thể hiện thái độ không muốn thương lượng liên quan tới văn hóa làm việc. Một cuộc khảo sát của Deloitte thực hiện trên toàn cầu, khảo sát hơn 23.000 người lao động thuộc Gen Z, cho thấy gần một nửa muốn nghỉ việc trong vòng hai năm tới. Những lý do hàng đầu mà người lao động thuộc Gen Z nêu ra để giải thích cho việc không muốn gắn bó với công ty  bao gồm mức lương, các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc và áp lực kiệt sức. Họ cũng ưu tiên một công việc có sự cân bằng giữa việc làm và cuộc sống, học tập và phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục