Ấn Độ đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện lớn nhất vùng Delhi

Ấn Độ đã cho đóng cửa nhà máy nhiệt điện Badarpur lớn nhất vùng Delhi, trong một động thái nhằm cải thiện chất lượng không khí tại một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới này.
Ấn Độ đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện lớn nhất vùng Delhi ảnh 1Nhà máy nhiệt điện Badarpur. (Nguồn: hindustantimes)

Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, ngày 15/10, Ấn Độ đã cho đóng cửa nhà máy nhiệt điện Badarpur lớn nhất vùng Delhi, trong một động thái nhằm cải thiện chất lượng không khí tại một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới này.

Bên cạnh việc đóng cửa nhà máy nhiệt điện Badarpur, để đối phó với tình trạng ô nhiễm, giới chức địa phương cũng sẽ áp dụng linh hoạt các biện pháp như hạn chế giao thông hay các hoạt động xây dựng... tùy thuộc vào tình hình chất lượng không khí ở siêu đô thị có 20 triệu dân sinh sống này.

Khi chất lượng không khí được đánh giá "kém" như trong ngày 15/10, chính quyền thành phố New Delhi sẽ cấm việc đốt rác tại các bãi rác tập trung, cũng như việc đốt pháo và một số hoạt động xây dựng.

Trong khi đó, nếu được xếp vào mức "cực kém," các máy phát điện chạy bằng dầu diesel sẽ phải ngừng hoạt động, phí đỗ xe sẽ tăng thêm và dịch vụ vận tải công cộng tăng tần suất.

[Ấn Độ đưa ra báo cáo tầm nhìn bảo vệ Đền Taj Mahal nổi tiếng]

Ở mức độ "nghiêm trọng," các lò nung gạch sẽ bị đình chỉ hoạt động. Với mức độ "nghiêm trọng +," một cấp độ phân loại mới, nhà chức trách sẽ cấm các xe tải đi vào thành phố, trừ những xe chở hàng nhu yếu phẩm và quản lý số lượng xe lưu thông trên đường phố.

Vào mùa Đông, khói mù thường xuất hiện dày đặc ở Delhi khi chất lượng không khí liên tục vượt xa các ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Không khí lạnh giữ các chất thải ô nhiễm ở gần mặt đất, như khí thải từ xe hơi, khói bụi ở công trường xây dựng và từ việc nông dân đốt rẫy trong các mùa thu hoạch ở ngoại ô thủ đô.

Mùa Đông năm ngoái, nhà chức trách Delhi cũng áp dụng nhiều biện pháp tương tự nhằm giảm thiểu ô nhiễm, song không mang lại kết quả đáng kể. Một phần thực trạng này bị cho là do chính quyền địa phương đã không "triệt tận gốc" các nguồn gây ô nhiễm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục