Ấn Độ hướng tới thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ với ASEAN

Ấn Độ coi ASEAN là khu vực láng giềng mở rộng và tăng kết nối với ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa giữa Ấn Độ với các thành viên khu vực.
Ấn Độ hướng tới thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ với ASEAN ảnh 1Đại sứ Tôn Sinh Thành tham dự phiên thảo luận Những thách thức về an ninh. (Ảnh: Cơ quan thường trú tại New Delhi)

Chiều 13/12, Hội nghị về 25 năm quan hệ đối tác Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) do Quỹ quốc tế Kalinga tổ chức đã diễn ra tại khách sạn Taj Mahal ở trung tâm thủ đô của Ấn Độ.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã tham dự và có bài phát biểu tại hội nghị. Ngoài ra, Đại sứ còn tham dự phiên thảo luận về những thách thức an ninh.

Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và Ấn Độ-ASEAN kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại, 15 năm đối thoại Ấn Độ-ASEAN ở cấp hội nghị cấp cao và năm năm quan hệ đối tác chiến lược. ASEAN và Ấn Độ chiếm 1/4 dân số thế giới (1,85 tỷ người) với tổng GDP hơn 3.800 tỷ USD. Hợp tác giữa hai bên sẽ không chỉ bổ sung lẫn nhau để phát triển mạnh mẽ hơn mà còn trở thành một lực lượng mạnh mang lợi thế rất lớn.

Ấn Độ hướng tới thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ với ASEAN ảnh 2Đại sứ Tôn Sinh Thành phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Cơ quan thường trú tại New Delhi)

Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN đã và đang phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã thiết lập 30 cơ chế đối thoại, trong đó có các hội nghị cấp cao và hội nghị cấp bộ trưởng trên nhiều lĩnh vực.

ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ, từ mức hơn 30 tỷ USD trong năm 2007-2008 lên gần 72 tỷ USD trong năm 2016-2017. Đầu tư từ ASEAN sang Ấn Độ đã tăng hơn 70 tỷ USD trong 17 năm qua, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ trong khi đầu tư của Ấn Độ sang ASEAN trong cùng kỳ đạt hơn 40 tỷ USD.

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho hay Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đã đề ra năm lĩnh vực chiến lược đồng vận với chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ và cũng đặt mục tiêu tăng cường kết nối với Ấn Độ.

Đại sứ tin tưởng hội nghị sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ và là một sự kiện quan trọng trước thềm Hội nghị cấp cao kỷ niệm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ dự kiến tổ chức ở New Delhi trong tháng 1/2018.

[Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ mạnh mẽ hơn]

Ấn Độ hướng tới thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ với ASEAN ảnh 3Bộ trưởng Dharmendra Pradhan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Cơ quan thường trú tại New Delhi)

Về phần mình, Bộ trưởng Xăng dầu và khí đốt, phát triển kỹ năng và doanh nghiệp Ấn Độ Dharmendra Pradhan nhấn mạnh đến lịch sử quan hệ lâu đời giữa Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á, bày tỏ tin tưởng quan hệ giữa hai bên sẽ còn đạt nhiều tiến bộ hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế và thương mại.

Ông Pradhan cho biết việc Ấn Độ nâng cấp chính sách "Hướng Đông" lên chính sách "Hành động hướng Đông" với ASEAN là trung tâm là một trong số những sáng kiến của Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi.

Ấn Độ coi ASEAN là khu vực láng giềng mở rộng và tăng cường kết nối với ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa giữa Ấn Độ với các thành viên hiệp hội này.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh Jintendra Singh đề cập tới những sáng kiến thực chất cho phát triển kinh tế toàn diện vùng Đông Bắc Ấn Độ và hội nhập kinh tế khu vực này với khu vực rộng lớn hơn, trong đó có ASEAN. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực Đông Bắc như một đầu tàu quan trọng cho tăng trưởng tương lai của Ấn Độ.

Hội nghị có các phiên thảo luận về các chủ đề như quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-ASEAN và chính sách "Hành động hướng Đông;" Hợp tác kinh tế với ASEAN; Hợp tác khu vực và song phương và Những thách thức về an ninh.

Các phiên thảo luận diễn ra rất sôi nổi, các học giả và người tham dự hội nghị rất quan tâm tới mối quan hệ giữa hai bên như các lĩnh vực thương mại, kinh tế, kết nối, quốc phòng-an ninh, hàng hải - trong đó có vấn đề Biển Đông.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục