Ấn Độ - nhịp cầu nối những tham vọng kinh tế Đức

Chuyên gia Gulshan Sachdeva thuộc Đại học Jawaharlal Nehru cho rằng: "Ấn Độ sẽ mang lại sự cân bằng phù hợp cho các mối quan hệ của Đức hoặc các mối quan hệ của châu Âu ở châu Á."
Ấn Độ - nhịp cầu nối những tham vọng kinh tế Đức ảnh 1(Nguồn: germany-visa.org)

Trong bối cảnh nước Đức đang đứng trước nhiều thay đổi mang tính lịch sử, chính sách đối ngoại của Đức thời kỳ hậu Thủ tướng Angela Merkel có thể ghi dấu ấn lớn qua cách nước này phát triển các mối quan hệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn đang được coi là căng thẳng.

Trong khu vực này, Ấn Độ được coi là sẽ đóng một vai trò quan trọng. Thủ tướng Merkel thăm Ấn Độ lần cuối vào năm 2019. Cuối tháng 10/2019, bà đã bắt đầu một trong những chuyến thăm nước ngoài cuối cùng trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Cùng với hàng chục quan chức chính phủ chủ chốt và một phái đoàn doanh nghiệp cấp cao, bà Merkel đã tới Ấn Độ với mục tiêu cụ thể là "làm sâu sắc và củng cố" một mối quan hệ chắc chắn đã trở nên quan trọng kể từ khi bà trở thành Thủ tướng vào năm 2005.

"Cầu nối" Ấn Độ

Trên thực tế, đây không phải là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel tới Ấn Độ, bà đã đến New Delhi lần đầu tiên vào năm 2007 và trở lại trong ba nhiệm kỳ tiếp theo của mình.

Tuy nhiên, chuyến đi lần này là cơ hội để củng cố vai trò mà Đức tin rằng Ấn Độ có thể có trong một khu vực đang có nhiều căng thẳng, đặc biệt là khi xét đến sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, Đức và các nước châu Âu khác đã bắt đầu nhận ra rằng mối quan hệ ngày càng xấu đi với Bắc Kinh đòi hỏi một cách tiếp cận khác đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và họ coi Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới, là một "cầu nối" khả dĩ.

[Ấn Độ và Liên minh châu Âu nhất trí nối lại các cuộc đàm phán FTA]

Ở một góc độ nào đó, kịch bản này giải thích lý do tại sao năm 2020, Đức đưa ra "Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" mới. Các quốc gia khác như Pháp và Hà Lan cũng làm như vậy và vào tháng Tư, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố kế hoạch hợp tác của riêng mình tại khu vực này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng mối quan hệ giữa EU và Ấn Độ muốn được thắt chặt phải vượt ra ngoài những giá trị chung. Họ cũng cho rằng trong nhiều năm qua, mối quan hệ song phương đang ở trong tình trạng "hứa quá nhiều và làm chưa được bao nhiêu."

Mối quan hệ giữa hai nước chủ yếu tập trung vào thương mại. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ ở châu Âu và là một trong những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất.

Hơn 1.700 công ty Đức đang hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại Ấn Độ, cung cấp khoảng 400.000 việc làm tại quốc gia Nam Á này. Đổi lại, hàng trăm doanh nghiệp Ấn Độ cũng đang hoạt động tại Đức và đã đầu tư hàng tỷ euro vào lĩnh vực công nghệ thông tin, ô tô và dược phẩm.

Tuy nhiên, việc theo đuổi lâu dài một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Ấn Độ lại là một cản trở lớn. Vào tháng 5/2021, Ủy ban châu Âu (EC) và Chính phủ Ấn Độ đã công bố ý định nối lại các cuộc đàm phán về FTA, vốn đã bị đình trệ từ năm 2013.

FTA này đã trở thành biểu tượng cho những lời hứa chưa được thực hiện trong mối quan hệ giữa EU và Ấn Độ. Với việc nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ dừng bước trong tháng này, đó là một thách thức mà người kế nhiệm của bà sẽ phải gánh vác.

Những thách thức cho kỷ nguyên hậu Merkel

Manisha Reuter, điều phối viên chương trình châu Á tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, cho biết ngoài lĩnh vực kinh tế, mối quan hệ này đang phát triển phù hợp.

Phát biểu với hãng truyền thông DW, ông Manisha Reuter nói: "Chỉ trong vài tháng qua, có thể là từ năm ngoái, các nhà lãnh đạo châu Âu phải công nhận rằng mối quan hệ này đã trở thành một mối quan hệ chiến lược hơn."

Phát biểu trong một bình luận gần đây với Hội đồng Đối ngoại Đức, các nhà kinh tế John-Joseph Wilkins và Roderick Parkes khẳng định: "Các nhà lãnh đạo châu Âu cần kết hợp các đòn bẩy kinh tế địa lý lâu đời của mình với các công cụ địa chính trị mới, đồng thời kết hợp các sáng kiến thương mại và an ninh."

Chính phủ Đức đến tháng 9/2020 đã thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là thời điểm Đức đang đảm nhận chức Chủ tịch EU, đặt ra lộ trình cho chính sách tương lai của mình đối với các quốc gia trong khu vực.

Chiến lược mới tập trung vào các lĩnh vực mà Đức muốn mở rộng hợp tác với khu vực này, chẳng hạn như an ninh quốc tế, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường chủ nghĩa đa phương thúc đẩy pháp quyền và nhân quyền.

Mặc dù vậy, chuyên gia Manisha Reuter, động thái này cho thấy Berlin đang muốn "đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và không coi Trung Quốc như một ‘miền đất hứa’ mà Đức và EU đã bỏ quá nhiều công sức trong thập kỷ qua." Bà Reuter nhận thấy sự tập trung mới vào Ấn Độ trong bối cảnh "đa dạng hóa" chính sách đối ngoại của Đức ở châu Á.

Trong khi đó, với góc nhìn khác, chuyên gia Gulshan Sachdeva, người chủ trì Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Jawaharlal Nehru, cho rằng: "Ấn Độ sẽ mang lại sự cân bằng phù hợp cho các mối quan hệ của Đức hoặc các mối quan hệ của châu Âu ở châu Á."

Thay đổi chiến lược thành hành động cụ thể sẽ là một thách thức đối với chính phủ tiếp theo của Đức, đối với cả Ấn Độ và khu vực nói chung. Berlin sẽ phải hợp tác với các quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là Pháp, quốc gia đã có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình.

Chuyên gia Sachdeva cho rằng Pháp "chắc chắn sẽ có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo vì hai lý do. Thứ nhất, Đức sẽ mất thời gian để có một nhà lãnh đạo mới thay thế vị trí của bà Angela Merkel."

Thứ hai, cách tiếp cận tổng thể của EU về việc tích cực hơn trong các vấn đề địa chính trị phù hợp hơn với ý tưởng của Pháp về cách EU sẽ được định hình.

Một vấn đề khác có thể gây tranh cãi là quyết định của Đức nhằm mở rộng sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách gửi một tàu chiến đến khu vực này lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục