hát biểu tại Quốc hội Ấn Độ ngày 9/6, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee nói rằng tân Chính phủ nước này sẽ theo đuổi chương trình cải cách kinh tế trên diện rộng, trong đó tập trung vào việc tạo việc làm thông qua thúc đẩy đầu tư nhà nước và tư nhân, đồng thời chú trọng kiềm chế lạm phát.
Chính phủ sẽ đưa ra thuế bán hàng chung, khuyến khích đầu tư nước ngoài cũng như đẩy nhanh việc thông qua các dự án kinh doanh chủ chốt.
Tổng thống nhấn mạnh Chính phủ Ấn Độ sẽ theo đuổi ngay lập tức công cuộc cải cách trong lĩnh vực than quốc doanh và ngành quốc phòng nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện các dự án để thúc đẩy sự phát triển của các ngành chế tạo sử dụng nhiều lao động. Tại Ấn Độ, mỗi năm có khoảng chục triệu người tham gia lực lượng lao động.
Chính phủ cũng chủ trương giải quyết các trở ngại đã đẩy lạm phát giá lương thực tại Ấn Độ lên mức cao nhất trong số các nền kinh tế chủ chốt.
Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm lại dài nhất trong một phần tư thế kỷ qua. Nền kinh tế này chỉ tăng trưởng 4,7% trong năm 2013, năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng ở dưới ngưỡng 5%.
Nhà kinh tế chủ chốt Shubhada Rao, thuộc Yes Bank ở Mumbai, nhận định rằng chủ trương cải thiện nguồn cung để hỗ trợ tăng trưởng sẽ góp phần kiềm chế sức ép lạm phát. Chính phủ sẽ dành hai năm đầu để tạo môi trường cho tăng trưởng kinh tế "cất cánh," song sẽ không để xảy ra sự "đánh đổi" giữa lạm phát và tăng trưởng.
Đối với chính phủ, việc đối phó với lạm phát sẽ song hành với các biện pháp thúc đẩy đầu tư nhà nước và tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm tăng cường tưới tiêu và giảm nạn tích trữ.
Chính phủ Ấn Độ cũng cam kết đảm bảo mọi hộ gia đình đều được cung ứng điện đầy đủ vào năm 2022, đồng thời nâng cấp hệ thống đường sắt, tập trung phát triển tàu cao tốc, xây dựng đường sá và sân bay.
Chính phủ cũng đưa ra lời hứa hiện đại hóa chính phủ bằng công nghệ, đồng thời đưa kết nối băng thông rộng đến tất cả làng xã trong vòng 5 năm./.