An Giang đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số

An Giang tập trung triển khai Dự án Trung tâm Dữ liệu, Điều hành Thông minh (IOC), Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng (SOC), thí điểm mở rộng giai đoạn 3 giải pháp giám sát an toàn thông tin.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, Chương trình Chuyển đổi Số là một trong 6 chương trình trọng điểm, với 15 chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển Chính quyền Số, Kinh tế Số, Xã hội Số.

Chương trình đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện, cùng 53 dự án, nhiệm vụ, kinh phí dự kiến trên 389 tỷ đồng.

Để phát triển chính quyền số, địa phương tập trung triển khai Dự án Trung tâm Dữ liệu, Điều hành Thông minh (IOC) tỉnh An Giang, Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng tỉnh (SOC), thí điểm mở rộng giai đoạn 3 giải pháp giám sát an toàn thông tin và xử lý mã độc.

Địa phương triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với các dịch vụ số của Chính quyền Số tỉnh An Giang cung cấp; đẩy mạnh phát triển không gian số tỉnh; triển khai hiệu quả mô hình xã nông thôn mới thông minh...

Đối với phát triển Kinh tế Số, An Giang phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 10%; giải phóng mặt bằng và san lấp mặt bằng Khu Công nghệ Thông tin tập trung trong quý 4 năm 2023.

Tỉnh thành lập Hội Tin học An Giang nhằm triển khai các ứng dụng, công nghệ mới, Chuyển đổi Số, ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Chuyển đổi Số.

Về phát triển Xã hội Số, An Giang tập trung phát triển hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ thúc đẩy Chuyển đổi Số cho tỉnh; ưu tiên phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số.

An Giang phát huy mạng lưới Tổ Công nghệ Số Cộng đồng hỗ trợ triển khai nhanh, hiệu quả về Chính phủ Số, Kinh tế Số và Xã hội Số đến cấp cơ sở, phường, xã, khóm, ấp.

Xác định Chuyển đổi Số là chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với phát triển kinh tế-xã hội, động lực trong phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chuyển đổi Số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Nghị quyết, An Giang phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước; phát triển kinh tế số đạt 10% GRDP; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh (nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch)…

Đến năm 2030, An Giang thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu về Chuyển đổi Số và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước, phấn đấu Kinh tế Số đạt 20% GRDP.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết, Chương trình Chuyển đổi Số tỉnh An Giang tập trung 3 trụ cột chính về phát triển Chính quyền Số, Kinh tế Số, Xã hội Số nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ Số, kinh tế Số, xã hội Số; doanh nghiệp phát triển dựa trên Hạ tầng Số, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Công nghệ Số; người dân tham gia tích cực ứng dụng, khai thác Nền tảng Số.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khẳng định, Chuyển đổi Số là cơ hội để địa phương bứt phá, vươn lên. Trong đó, Chính quyền Số giúp nền hành chính tỉnh An Giang hoạt động hiệu quả, hiệu lực, minh bạch hơn.

Kinh tế Số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo ra hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững. Xã hội Số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, qua 2 năm triển khai chương trình Chuyển đổi Số, tính đến cuối tháng 10/2023, chương trình đạt một số kết quả nổi bật.

Tỉnh thiết lập mạng lưới Công nghệ Số cộng đồng hỗ trợ triển khai Chính phủ Số, Kinh tế Số và Xã hội Số đến tận cấp đơn vị, cơ sở, phường, xã; có 887 Tổ Công nghệ Số Cộng đồng được thành lập tại 11/11 huyện với 6.517 thành viên...

Về phát triển Hạ tầng Số, An Giang phủ sóng Internet cáp quang tốc độ cao đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn; 100% khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh có kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, điều hành...

Trong phát triển Chính phủ Số, Chính quyền Số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh An Giang cung cấp trên 2.000 dịch vụ dịch vụ hành chính công…

Đối với phát triển Kinh tế Số, tỉnh hỗ trợ 19 doanh nghiệp tham gia bán hàng trên trang thương mại điện tử; thực hiện nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục