Long An đẩy mạnh Chuyển đổi Số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Với thông điệp năm 2023 là "Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới,” Long An đẩy mạnh phát triển dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp theo kế hoạch cung cấp dữ liệu mở.
Long An đẩy mạnh Chuyển đổi Số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Đại diện thành phố Tân An giới thiệu về Trung tâm Điều hành thông minh. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Với nhiều nỗ lực vượt bậc, chỉ số Chuyển đổi Số của tỉnh Long An tăng dần qua các năm.

Năm 2020, tỉnh xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố về chỉ số Chuyển đổi Số; năm 2021 xếp hạng 21 và năm 2022 vươn lên vị trí 11. Qua đó, cho thấy sự bứt phá, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

Hiện nay, Chuyển đổi Số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu và sự chung tay của người dân. Trong đó, người dân, doanh nghiệp là trung tâm của Chuyển đổi Số, thúc đẩy Chuyển đổi Số trong xã hội, tạo động lực kéo tiến trình Chuyển đổi Số trong cơ quan Nhà nước.

Nghị quyết số 21-NQ/TU năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An về Chuyển đổi Số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã lựa chọn thành phố Tân An là mô hình điểm Chuyển đổi Số để từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh.

Thành phố Tân An với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ngành đã tập trung triển khai Chuyển đổi Số khá đồng bộ, toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo Bí thư Thành ủy Tân An Lê Công Đỉnh, hạ tầng số của thành phố được quan tâm phát triển, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ Chuyển đổi Số.

Tỷ trọng kinh tế số của thành phố từng bước tăng trưởng, công dân số, văn hóa số cũng hình thành, lan tỏa. Người dân, doanh nghiệp tương tác giao dịch với chính quyền thông qua môi trường số ngày càng thường xuyên.

Long An đẩy mạnh Chuyển đổi Số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2Long An phát động cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ Long An tiên phong Chuyển đổi Số." (Nguồn: Chuyển đổi Số Long An)

Thành phố đã đưa vào vận hành Hệ sinh thái Số với Trung tâm Điều hành thông minh, là hạt nhân gắn kết các dịch vụ đô thị thông minh thiết yếu của thành phố thông qua các dịch vụ như: giám sát an ninh trật tự thông minh, an toàn giao thông thông minh; quản lý chiếu sáng thông minh; giám sát hành chính công; giám sát trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân trên môi trường số...

Đặc biệt là dịch vụ giám sát Bộ chỉ số phục vụ lãnh đạo điều hành kinh tế-xã hội của thành phố.

Ông Nguyễn Mai Tuấn Khoa, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An cho biết tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở của tỉnh và nền tảng “Long An IOC” phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo trên môi trường số.

Ngoài ra, ứng dụng di động Nền tảng công dân Số “Long An Số,” mini app “Long An Số” trên nền tảng Zalo cũng được triển khai rộng rãi với trên 100.000 người dùng.

Đây là kênh tương tác hai chiều giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền nhằm xây dựng chính quyền số và phát triển xã hội số.

Người dân, doanh nghiệp cũng có thể gửi các kiến nghị qua trang web 1022.longan.gov.vn và Tổng đài 1022 để cơ quan chính quyền kịp thời lắng nghe, giải quyết các phản ánh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An Nguyễn Bá Luân cho biết mỗi ấp, khu phố trong tỉnh đều thành lập Tổ công nghệ Số cộng đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 tổ với trên 5.300 thành viên, kết hợp với đoàn viên, thanh niên tổ chức các hoạt động ra quân hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số thiết yếu.

[Long An linh hoạt các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế]

Ủy ban Nhân dân tỉnh khuyến khích và thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng việc giảm 50% lệ phí thực hiện dịch vụ công; chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, địa phương lấy tuần lễ đầu tiên hàng tháng làm cao điểm triển khai hoạt động ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến ngày càng tăng cao so qua các năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Từ đầu năm 2023 đến nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 1.565 dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo 100% các dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình.

Long An đẩy mạnh Chuyển đổi Số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 3Thành viên Tổ công nghệ Số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số. (Nguồn: Chuyển đổi Số Long An)

Long An đã triển khai thí điểm Chuyển đổi Số toàn diện cho 3 đơn vị cấp xã gồm xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành); thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) và Phường 4 (thành phố Tân An) bước đầu đạt hiệu quả, khắc phục những hạn chế trong sử dụng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tại xã.

Đồng thời, tỉnh triển khai các mô hình thúc đẩy người dân tham gia Chuyển đổi Số như “Ngày thứ Tư không hẹn,” “Cán bộ công chức hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến,” “Thanh niên với Chuyển đổi Số,” “Đội hình IT Xanh”; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước cấp xã.

Long An cũng tạo lập trang Zalo “Ủy ban Nhân dan cấp xã” và trang thông tin điện tử cấp xã; hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc trưng tại địa phương lên sàn thương mại điện tử, góp phần phát triển kinh tế số…

Từ kết quả đạt được, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương nhân rộng mô hình Chuyển đổi Số cấp xã ra toàn tỉnh. Đến nay, Long An có trên 66.000 tổ chức, cá nhân bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử với trên 8.300 sản phẩm; 51 gian hàng với 485 sản phẩm được trưng bày trên sàn giao dịch thương mại điện tử tradelongan.com của tỉnh.

Điều hành quyết liệt, hành động đồng bộ

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út khẳng định Chuyển đổi Số là một cuộc cách mạng mang tính toàn dân, toàn diện, là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.

Do đó, cần đảm bảo sự vào cuộc, lãnh đạo tập trung của các cấp ủy Đảng, điều hành quyết liệt của chính quyền, tham gia tích cực của các cơ quan chuyên môn, hành động đồng bộ ở các ngành, các cấp và sự tham gia của toàn dân.

Chuyển đổi Số phải đảm bảo các yếu tố lấy người dân làm trung tâm; nhận thức đóng vai trò quyết định; chuyển đổi cơ chế chính sách và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước là giải pháp quan trọng; đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt.

Với thông điệp năm 2023 là "Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới,” Long An tập trung đẩy mạnh phát triển dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp theo kế hoạch cung cấp dữ liệu mở.

Tỉnh triển khai có hiệu quả Tổ công nghệ Số cộng đồng để hướng dẫn người dân trực tiếp khai thác, sử dụng các nền tảng, dịch vụ số.

Long An đẩy mạnh Chuyển đổi Số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 4Mô hình Chuyển đổi Số của tỉnh Long An tại không gian trưng bày của Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Long An tháng 7/2023/ (Nguồn: Chuyển đổi Số Long An)

Về lâu dài, Chương trình Chuyển đổi Số của tỉnh hướng tới mục tiêu Chuyển đổi Số đồng bộ, toàn diện, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và đời sống kinh tế-xã hội; qua đó đưa Long An vào nhóm các địa phương Chuyển đổi Số tốt, trở thành tỉnh có chỉ số cao về phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An Nguyễn Bá Luân cho biết Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về Chuyển đổi Số.

Phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để dẫn dắt Chuyển đổi Số, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, dịch vụ số thiết yếu, sử dụng tối ưu các nền tảng số giải quyết hiệu quả những vấn đề kinh tế-xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh phát triển kinh tế số, từng bước tăng tỷ trọng kinh tế số để góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng.

Long An cũng tập trung vào các giải pháp phát triển xã hội số để người dân, doanh nghiệp tham gia giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội, cùng giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị cho cộng đồng.

Long An còn triển khai các giải pháp thúc đẩy phổ cập điện thoại thông minh, mạng cáp quang băng rộng cho người dân, hộ gia đình; tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ Số cộng đồng, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số; tuyên truyền, hướng dẫn để người dân triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng Long An Số; quán triệt thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua các kênh tương tác trên môi trường số…

Tỉnh đoàn Long An phối hợp các sở, ngành, doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh Chuyển đổi Số, tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi; ra mắt Công trình Thanh niên Số hóa di tích lịch sử tại các khu di tích lịch sử; triển khai Zalo Official Account cho Tỉnh Đoàn và các đơn vị Đoàn cấp huyện.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Tỉnh đoàn chỉ đạo Đoàn cơ sở duy trì hoạt động của 188 Đội hình IT xanh và tham gia 996 Tổ công nghệ Số cộng đồng tại các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh với gần 2.000 đoàn viên, thanh niên tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục