Long An: Đánh giá chỉ số PCI, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng

Tỉnh Long An tiếp tục tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Long An: Đánh giá chỉ số PCI, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng ảnh 1Công nhân và xe hàng lưu thông tấp nập tại Khu Công nghiệp Phú An Thạnh, Bến Lức, Long An. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, cho biết trên cơ sở chỉ số PCI áp dụng cho cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch triển khai Đánh giá Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (Department and District Competitiveness Index - DDCI) để đánh giá môi trường kinh doanh một cách sâu sắc và giúp cải thiện chỉ số PCI một cách bền vững.

Long An thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành của các sở, ngành cấp tỉnh và Ủy ban Nhân dân địa phương; đánh giá cảm nhận về thái độ, chất lượng hướng dẫn, giải quyết của cán bộ Nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp; đánh giá mức độ quan tâm của người dân, doanh nghiệp đến các chủ trương, chính sách liên quan đến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Tỉnh tiếp tục tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả điều hành kinh tế của các cơ quan Nhà nước trên địa bản tỉnh.

[Long An đặt mục tiêu PCI ở nhóm chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt"]

Bên cạnh đó, Long An thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế đối với các sở, ngành cấp tỉnh và Ủy ban Nhân dân địa phương.

Tỉnh xây dựng kênh thông tin đáng tin cậy, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền, từ đó đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, kịp thời và thiết thực.

Đồng thời, tỉnh tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương...

Theo ông Trương Văn Liếp, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, DDCI được nghiên cứu triển khai từ năm 2023. Theo đó, tỉnh chọn đối tượng được đánh giá là 35 đơn vị, trong đó 20 đơn vị sở, ban, ngành và 15 địa phương trong tỉnh và đối tượng tham gia đánh giá gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư (và đối với một số trường hợp là các hộ kinh doanh) trên địa bàn tỉnh, đã từng thực hiện thủ tục hành chính hoặc dịch vụ công và các tổ nhóm hợp tác, hợp tác xã có tương tác với chính quyền địa phương.

DDCI Long An sẽ tập hợp các đánh giá về cảm nhận của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cụ thể là các hộ kinh doanh, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp về công tác điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và lãnh đạo địa phương một cách hệ thống.

Thông qua kết quả, các đơn vị, địa phương sẽ có những điều chỉnh thích hợp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại tỉnh.

Mục tiêu cuối cùng là tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế tại tỉnh. Từ đó đưa ra những giải pháp toàn diện với mục đích “không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững và ứng dụng công nghệ 4.0 hướng tới chuyển đổi số trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục