Long An linh hoạt các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế

Tỉnh Long An đã đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, tiếp tục định vị, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa...
Long An linh hoạt các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ảnh 1Công ty Cổ phần Thép TVP đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại nhằm hoàn thiện các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Thực hiện Chiến lược Xuất Nhập khẩu Hàng hóa tỉnh Long An đến năm 2030, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch Hành động, hướng đến mục tiêu phát triển xuất, nhập khẩu bền vững; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Đây được xem là hướng đi đúng, góp phần giúp Long An hồi phục, phát triển toàn toàn diện kinh tế-xã hội.

Hướng tới đa thị trường, đa sản phẩm

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, hướng đến xuất khẩu dịch vụ; tiếp tục định vị, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, hệ thống phân phối toàn cầu; đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp theo hợp đồng thương mại.

[Long An: Đánh giá chỉ số PCI, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng]

Ngành công thương tỉnh Long An đề ra nhiều mục tiêu nhỏ để hoàn thiện mục tiêu lớn như: bình quân giai đoạn 2021-2030, tỉnh có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 10-10,5%/năm; tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 95%; tỷ trọng xuất khẩu hàng nông, thủy sản đạt 12%; tăng tỷ trọng hàng nông, thủy sản xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc là 50%; tăng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường ngoài châu Á đạt 40% vào năm 2030; tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; bảo đảm cán cân thương mại hợp lý trên địa bàn tỉnh Long An.

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng chia sẻ trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Long An đến năm 2030, Ủy ban Nhân dân tỉnh định hướng phát triển đa dạng các loại thị trường, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể.

Đồng thời, ngành công thương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An tập trung giữ vững các thị trường truyền thống, duy trì phát triển với các thị trường mà tỉnh Long An có hợp tác như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc; tăng cường xuất khẩu theo hợp đồng thương mại.

Bên cạnh đó, ngành công thương tỉnh Long An cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ mới, vật liệu mới, công nghệ xanh, cơ hội đa dạng hóa cao như điện tử, cơ khí, chế tạo, tự động, phần mềm... làm nền tảng cho tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn.

Đồng thời, phát triển các dịch vụ phục vụ xuất khẩu như tài chính, logistics, năng lượng mới... hướng đến xuất khẩu dịch vụ (logistics, du lịch, tài chính, viễn thông...).

Phát triển dịch vụ phục vụ xuất khẩu tại Cảng quốc tế Long An.

Long An linh hoạt các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ảnh 2Kho lạnh robot hiện đại cao tương đương tòa nhà 16 tầng của Công ty Cổ phần Kho Lạnh Kỷ Nguyên Mới (NECS) đặt tại Khu Công nghiệp Phú An Thạnh (Bến Lức, Long An). (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Với lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, tỉnh tập trung thực hiện Chương trình Phát triển Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu của tỉnh theo quy hoạch; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi thế của địa phương có tác động đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trực tiếp của tỉnh; thu hút đầu tư nước ngoài khắc phục các điểm yếu của sản xuất trong tỉnh như phát triển các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Đa dạng hợp tác và tiêu thụ

Với trợ lực tối đa từ các cấp lãnh đạo và chính quyền tỉnh Long An, các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư, phát triển kinh doanh, nâng cao cơ hội hợp tác với nhiều đối tác trên thị trường thế giới qua nhiều kênh tiêu thụ.

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trên nhiều nền tảng, Sở Công Thương Long An đã hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; khuyến khích thiết kế, xây dựng website giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên Sàn Giao dịch Thương mại Điện tử và các trang thông tin xuất khẩu, cổng thương mại điện tử và cổng thông tin thị trường nước ngoài...

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đã thực hiện kinh doanh trên nhiều nền tảng và thu được hiệu quả kinh doanh lớn, tiếp xúc trực tiếp với nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Ông Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (LAFOOCO) - cho biết sàn thương mại điện tử là sân chơi rộng lớn và có độ cạnh tranh khốc liệt, nên LAFOOCO cũng phải đầu tư tìm hiểu và nghiên cứu thị trường. Từng bước xây dựng thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử.

Ngoài sàn thương mại điện tử, LAFOOCO cũng xây dựng một trang web riêng (lafoocostore.vn) để người tiêu dùng có thể lên trực tiếp trang web này chọn những sản phẩm ưng ý nhất của nhà sản xuất với hạn sử dụng mới nhất, chất lượng tốt nhất cho bản thân và gia đình.

Tại sàn thương mại Amazon của Mỹ, công ty tự hào là doanh nghiệp đầu tiên đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến kho hàng của Amazon.

Tại các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể so sánh giá sản phẩm, nên LAFOOCO cân đối được các chi phí mua nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhưng cũng cạnh tranh nhất.

Với thương mại điện tử công ty phải xây dựng được hình ảnh, để thu hút được người tiêu dùng.

Không những vậy, thương hiệu cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Đồng thời giá cũng mang tính chất cạnh tranh để vừa có thể bán được hàng vừa có thể quảng bá được thương hiệu của công ty.

Chất lượng sản phẩm cũng có vai trò quyết định lớn đối với sản lượng bán ra của công ty, vì vậy công ty chọn nguyên liệu các loại hạt đến từ các nông trại lớn của Mỹ, với hạt điều chỉ sử dụng hạt điều trong nước của Việt Nam.

Vì hạt điều Việt Nam được người tiêu dùng quốc tế đánh giá là hạt điều ngon nhất trên thế giới, ông Nguyễn Đức Tân chia sẻ thêm.

Là công ty 100% vốn đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Jia Hsin chuyên sản xuất dép đi biển, hài, giày thể thao,… cho các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Reef, Under Amor, Clack, Columbia, The north face, Timberland, Tommy… tại Khu công nghiệp Cầu Tràm (Cần Đước, Long An) đã không ngừng cải tiến, mở rộng đối tác khách hàng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, cũng như góp phần đảm bảo cuộc sống của người lao động trên địa bàn tỉnh Long An.

Theo ông Li Chun Yen - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Jia Hsin, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, từ đầu năm 2023 đến nay đơn hàng bị giảm 50% so với năm ngoái, công ty phải sắp xếp nghỉ ngừng việc bình quân 2 ngày/ tuần. Tuy nhiên, Jia Hsin vẫn làm tốt công tác chăm lo đời sống cho người lao động như không cắt giảm nhân sự; vẫn duy trì trả lương vào các ngày nghỉ ngừng việc nên đời sống công nhân không bị ảnh hưởng nhiều. Trong 3 tháng cuối năm 2023, đơn hàng đã tạm ổn, có đủ việc làm không còn phải sắp xếp nghỉ ngừng việc như các tháng qua.

Qua quá trình hoạt động, Jia Hsin nhận thấy Long An có vị trí thuận lợi; hạ tầng tốt; giao thông thuận tiện; an ninh trật tự đảm bảo; thủ tục hành chánh được hỗ trợ nhanh chóng; cơ quan chính quyền các cấp luôn tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, luôn đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của Jia Hsin theo quy định pháp luật. Nên đến nay, Jia Hsin đã yên tâm mở rộng và phát triển quy mô nhà xưởng lên đến 200.000 m2.

Bên cạnh đó, Long An hội tụ nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội và nhiều thuận lơi cho các doanh nghiệp, nên chiến lược của Jia Hsin vẫn sẽ tiếp tục tập trung đầu tư và phát triển tại Long An, tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng đối tác, hướng đến đa dạng chủng loại sản phẩm để cung ứng cho khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Việt - Trưởng phòng Marketing Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chiếu xạ Toàn Phát và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kho vận Toàn Phát, thuộc Tập đoàn Toàn Phát, cho biết Tập đoàn đã đầu tư gần 20 triệu USD trên diện tích khoảng 2ha tại Khu Công nghiệp Phú An Thạnh (Bến Lức, Long An) để cung cấp dịch vụ chiếu xạ-lưu trữ-vận chuyển. Trong đó, nhà máy chiếu xạ có diện tích 1ha. 1ha còn lại là khu vực cung cấp dịch vụ bổ trợ và kho lạnh lưu trữ.

Hiện nay, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn rất khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của nhà nước, các cơ quan ban ngành và chính quyền các cấp tỉnh Long An, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Tập đoàn vẫn giữ được đà tăng trưởng và dần hoàn thiện các mục tiêu đặt ra trong năm 2023.

Tập đoàn đang hướng đến trở thành Trung tâm Logistics (Logistics HUB) hiện đại, thông minh, cung cấp đầy đủ cả ba dịch vụ chiếu xạ-lưu trữ-vận chuyển hàng đầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 2 năm tới, Tập đoàn có kế hoạch mở rộng thêm một hệ thống chiếu xạ với vốn đầu tư khoảng 6 triệu USD.

Mục đích nhằm nâng cao công suất phục vụ, đáp ứng cho sự tăng trưởng của ngành xuất khẩu nông-thủy sản không chỉ của tỉnh Long An, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong những năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục