An Giang: Đưa vào vận hành hệ thống thủy lợi vùng cao cho bà con dân tộc Khmer

Dự án có tổng mức đầu tư trên 147 tỷ đồng, gồm cụm công trình đầu mối và công trình phụ trợ hồ chứa nước Núi Dài 2, Hồ Cô Tô, Hồ Tà Lọt...

Hồ Núi Dài 2 (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) có tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng, với dung tích thiết kế 558.473 m3, chiều dài đập 1.028m đang trong quá trình tích nước. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Hồ Núi Dài 2 (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) có tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng, với dung tích thiết kế 558.473 m3, chiều dài đập 1.028m đang trong quá trình tích nước. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Sáng 30/8, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình Giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân thị xã Tịnh Biên tổ chức vận hành, đưa vào sử dụng dự án xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.

Phát biểu tại buổi lễ vận hành, đưa vào sử dụng dự án, ông Hồ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang khẳng định trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Trung ương và tỉnh An Giang đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư hệ thống thuỷ lợi vùng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con người dân tộc Khmer tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.

Qua đó, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang được khởi công ngày 20/5/2020 có tổng mức đầu tư trên 147 tỷ đồng, gồm cụm công trình đầu mối và công trình phụ trợ hồ chứa nước Núi Dài 2, Hồ Cô Tô, Hồ Tà Lọt...

Dự án nhằm ứng phó với tình hình thiên tai của tỉnh An Giang nói chung trong đó có ảnh hưởng bởi khô hạn, thiếu nước tưới mùa khô và ảnh hưởng của lũ núi vào mùa mưa tại khu vực miền núi huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên nói riêng.

Đến nay, dự án đã có 2 công trình hồ chứa nước được khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, gồm hồ Tà Lọt (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên) có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, với dung tích thiết kế 531.172 m3, chiều dài đập 1.016,0m; hồ Núi Dài 2 (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) có tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng, với dung tích thiết kế 558.473m3, chiều dài đập 1.028m, sẽ đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho hơn 520ha đất nông nghiệp (xã An Hảo 340ha, xã Lê Trì 180ha).

Qua đó, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, du lịch trong khu vực, tạo tiền đề để khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trong vùng núi, nới có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang Hồ Thanh Bình, An Giang là tỉnh ở đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là tỉnh thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ), thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô và các loại hình thiên tai khác như: lũ, dông lốc và sạt lở đất.

Hiện nay, tỉnh có 279.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, có trên 10.000 ha đất sản xuất vùng cao, triền núi thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Diện tích chỉ sản xuất 1 vụ (mùa mưa/năm) có khả năng bị ảnh hưởng khô hạn do không có hệ thống thủy lợi phục vụ với diện tích 7.133,2 ha (Tri Tôn 2.300 ha; Tịnh Biên 4.833,2 ha); trong đó, có trên 85% diện tích của đồng bào dân tộc Khmer canh tác.

Khi dự án xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang được đưa vào hoạt động sẽ tăng cường khả năng tích trữ và điều tiết nước, chủ động tưới tiêu, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô, cắt lũ núi trong mùa mưa.

Đồng thời, thực hiện dự án đa mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu, vận hành có hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, hạn chế ảnh hưởng, tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nhân dân vùng Bảy Núi An Giang nói riêng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh An Giang nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục