Miền núi phía Bắc luôn là một ẩn số thú vị cho những ai ham mê tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống, lối sống độc đáo cũng như kiến trúc nhà đặc biệt của bà con dân tộc vùng cao.
Nổi lên trong đó là mảnh đất Hà Giang-một trong những vùng đất hội tụ nhiều cái đẹp là lạ, cái đẹp hoang dại từ con người đến cảnh vật, cái đẹp mà khi trải nghiệm rồi vẫn cứ ngẩn ngơ đến thú vị.
Từ lối sống… Lên Hà Giang, từ huyện Quản Bạ qua Yên Minh lên Mèo Vạc, Đồng Văn chỉ có núi đá xám ngoét một màu ngút tầm mắt. Ở đây, bà con các dân tộc thiểu số H’Mông, Dao, Giáy, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo… bao đời chỉ biết sống dựa vào đá. Từ thị xã Hà Giang lên trung tâm huyện Đồng Văn ai không quen đường sẽ chẳng thể trụ nổi qua 154 km cung đường ngoằn ngoèo, cua đèo gấp khúc hiểm trở mà một bên là núi cao, một bên vực sâu thăm thẳm. Có những đoạn, chỉ cần sểnh lái là cả xe trật bánh lao xuống vực như chơi, thậm chí có đoạn dốc cheo leo còn chẳng đủ chỗ cho hai xe con tránh nhau. Vì thế không phải tay lái nào cũng đủ can đảm vượt cung đường thử thách này. Cánh “phượt” xe máy về tới nhà an toàn rồi nhiều khi nghĩ lại vẫn xanh mặt. Đường đèo tiềm ẩn nhiều nguy hiểm là thế, ấy vậy mà những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa. Chúng vô tư như không, đứa vài tuổi cõng đứa vài tháng đầu ngoặt nghẹo, chân trần lội đá, bìu díu nhau mấp mé bên vực. Tôi cứ thắc thỏm sợ, ngộ nhỡ chúng trượt chân… Có gia đình người Mông treo mình cả ngày trên sườn dốc thẳng đứng xới cỏ, làm rẫy. Bé gái xíu xiu vùi đôi chân nhỏ thó xuống đất làm trụ cũng cầm cuốc, lia quắm như ai. Cậu thanh niên chừng như anh cô bé đứng liền đó giải thích "Người Mông không biết ngã đâu." Hỏi ra thì cậu trai ấy năm nay 18, vẫn còn học nội trú dưới huyện nhưng đã kịp lấy vợ, cái cô đang bẽn lẽn ngồi cạnh nhìn chồng kể chuyện, thi thoảng lại mủm mỉm cười, chẳng hiểu vì lẽ gì. Cậu chàng đến là hay, kiên quyết không ngủ chung giường với cô vợ trẻ mới 15, chỉ vì nghe lời cô giáo cắm bản dặn "chưa 20 tuổi thì không được ngủ với con gái." Cậu ta làm được thế kể cũng tài, nhờ được đi học mà thành ra “tân tiến.” Cậu chàng nói tôi tin, vì “người Mông không nói dối” bao giờ.
Nụ cười ở Phố Cáo (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Đến kiến trúc nhà độc đáo… Người dân vùng cao Hà Giang tuy nghèo nhưng kiến trúc vẫn tạo được dấu ấn riêng, đặc sắc nhất phải kể đến những căn nhà trình tường phía sau những hàng rào đá bao quanh, lọt thỏm giữa cao nguyên đá hùng vĩ của công viên địa chất Đồng Văn. Có thể nói, nhà trình tường là “đặc sản” của người Mông ở Hà Giang. Họ thường làm nhà sau khi thu hoạch xong vụ mùa, trước Tết nguyên đán 1 đến 2 tháng để đón năm mới. Nếu làm cẩn thận nhà trình tường có thể dựng hai tầng, tuổi thọ vài chục năm và có đặc tính ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, phù hợp với điều kiện sống của đồng bào dân tộc vùng cao. Sau khi gia cố móng bằng những tảng đá cuội xếp kè cẩn thận, người ta lấy khung gỗ làm khuôn, đổ đất sét mịn có độ kết dính cao và nện cho chặt làm tường nhà, làm nhẵn bề mặt bằng vồ gỗ. Tường đất sét thường trình dày khoảng 50-60cm, khi dựng đủ độ cao thì lợp mái cỏ hoặc ngói âm dương. Ngày nay người ta còn lợp mái tôn xi măng, dù tiện dụng nhưng cũng ít nhiều làm mất đi bản sắc riêng. Như ông Vàng Mí Vừ ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn cất nhà mới cho cậu con trai ra ở riêng được bà con họ hàng mỗi người phụ giúp một tay mà cũng làm 15 ngày mới xong với chi phí gần 20 triệu đồng. "Làm nhà trình Tường bây giờ tốn hơn cả làm nhà gạch như của người Kinh. Ở đây hiếm đất nên phải đi lấy đất sét từ rất xa. Gỗ để làm cột mãi cũng không còn, mua thì đắt lắm nên nhà tôi lợp mái bằng tấm lợp xi măng cho đỡ tốn tiền," ông Vừ phân bua. Khéo giữ thì còn Dưới chân cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, bản văn hóa Lô Lô Chải là một bản điển hình với những căn nhà trình tường lợp ngói âm dương ba gian đã hàng trăm năm tuổi. Nhà thường có gác xép dùng làm nơi cất trữ lương thực. Đây là loại hình kiến trúc đặc sắc riêng của người Lô Lô. Nhưng thực tế trong bản Lô Lô Chải bây giờ có tới hơn nửa số nhà được xây gạch và lợp tôn xi măng. Những căn nhà mang bản sắc truyền thống còn sót lại thì hầu hết đã cũ nát và có vẻ không “cầm cự” được mấy hồi. Ông trưởng thôn Sìn Dỉ Gai nói: "Hiện nay, đời sống dân bản còn nhiều khó khăn, chi phí xây nhà tốn kém nên những gia đình trong bản muốn xây nhà mới đều phải nhờ vay vốn chương trình 167 của Chính phủ về hỗ trợ xây nhà cho đồng bào vùng cao.” Chính vì vậy mà những ngôi nhà xây mới đều bằng gạch theo một mẫu. “Những ngôi nhà đất trình tường truyền thống xây tốn kém hơn, lại không được Nhà nước hỗ trợ chi phí nên bà con không làm nữa,” ông Gai cho biết. Sống trong bản Lô Lô Chải, gia đình anh Vàng Dí Sình cũng được xây nhà mới nhờ dự án 167. Ngay trên nền cũ, nhà anh Sình được Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng không tính lãi để mua toàn bộ vật liệu xây nhà theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, dự kiến hết khoảng 15 triệu khi hoàn tất. "Nếu làm nhà trình tường truyền thống, Nhà nước sẽ không hỗ trợ chi phí. Chỉ tính riêng tiền tường nhà đã tốn khoảng 15 triệu đồng, thêm phần mái gỗ, cửa, nền thì chi phí sẽ rất tốn kém, mà bây giờ gỗ lại không có.” Như vậy, chủ trương chính sách hỗ trợ của Nhà nước một mặt tích cực là cùng chung vai gánh khó khăn với người dân nhưng vô hình chung lại góp phần làm mai một đi nét kiến trúc đặc sắc của bà con vùng cao. Có vẻ như chính quyền địa phương đã giúp đồng bào “học cái văn minh” của người xuôi một cách hơi quá đà, trong khi lẽ ra cần có phương án tu sửa hay làm mới nguyên trạng kiến trúc nhà truyền thống để bảo tồn, phát huy bản sắc thì lại “cào” sạch trơn…/.
ChiLê (Vietnam+)