Ảnh hưởng của COVID-19, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh

Theo báo cáo cập nhật tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong tháng 2 và đầu tháng 3, số lượng hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã tăng cao.
Ảnh hưởng của COVID-19, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh ảnh 1Giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Tác động của dịch COVID-19 đến lao động, việc làm đã thể hiện rất rõ thông qua các chỉ số về bảo hiểm thất nghiệp.

Số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2 là 47.164 nghìn người, tăng gần 60% so với tháng 1 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 2/2019 là 27.755 người).

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên nhân của việc tăng đến 60% người hưởng bảo hiểm thất nghiệp là do năm 2020, thời gian nghỉ tết Nguyên Đán rơi vào tháng 1 nên số lượng hồ sơ tháng 2 tăng cao. Ngoài ra, nguyên nhân chính cũng là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dẫn đến doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao.

Đáng lưu ý, thống kê nhanh từ một số tỉnh cho thấy tình hình thất nghiệp đang diễn ra khá phức tạp, với quy mô lớn trong thời gian gần đây.

Ảnh hưởng của COVID-19, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh ảnh 2

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 2 có 9.872 người lao động thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 4.408 người (80,67%) so với tháng 1 và tăng 3.607 người (57,57%) so với tháng 2. Trong số đó, lao động thất nghiệp chủ yếu tại các doanh nghiệp FDI: 1.676 người (chiếm 17%) và doanh nghiệp tư nhân: 7.673 người lao động (chiếm 77,7%).

Chỉ trong đầu tuần tháng 3,Thành phố Hồ Chí Minh có tới 2.643 lao động thất nghiệp làm trong 1.957 doanh nghiệp nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đáng chú ý, lao động thất nghiệp vẫn tập trung lớn ở doanh nghiệp tư nhân là 1.665 doanh nghiệp với 2.063 người (chiếm 78,05%); doanh nghiệp FDI là 219 doanh nghiệp với 429 người (chiếm 16,23%).

[9.000 người lao động bị ảnh hưởng, mất việc làm vì dịch bệnh COVID-19]

Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, tại Bình Dương, số lượng hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp gia tăng lớn. Trong khi cả tháng 2 có 3.835 người lao động thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì riêng đầu tuần tháng 3 đã có tới 2.294 lao động thất nghiệp làm trong 1.184 doanh nghiệp nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lao động thất nghiệp vẫn tập trung lớn ở doanh nghiệp tư nhân là 419 doanh nghiệp với 677 người (chiếm 25,5%); doanh nghiệp FDI là 741 doanh nghiệp với 1593 người (chiếm 69,44%).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, các doanh nghiệp có số lượng lao động thất nghiệp đồng thời nhiều (trên 10 lao động) vẫn tập trung ở ngành may mặc, giày da.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục