Áo sẽ lùi thời hạn rút quân khỏi Cao nguyên Golan

Trả lời phỏng vấn tờ Oesterreich, Bộ trưởng Ngoại giao Spindelegger tuyên bố Áo sẽ giảm tốc độ rút binh sỹ khỏi cao nguyên Golan.
Áo sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc và giảm tốc độ rút binh sỹ khỏi cao nguyên Golan. Bộ trưởng Ngoại giao Áo Michael Spindelegger đã tuyên bố như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Oesterreich số ra ngày 9/6, nhấn mạnh rằng áo ý thức trách nhiệm chuyển giao các vị trí quan sát và tài sản quân sự cho các đối tác thuộc Lực lượng Giám sát không can dự của Liên hợp quốc (UNDOF), và sẵn sàng lùi thời hạn rút quân tới 6 tuần.

Ông Spindelegger cũng cho biết áo có thể xem xét việc tiếp tục tham gia UNDOF nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng sứ mệnh của UNDOF, hiện chỉ giới hạn ở việc sử dụng vũ lực với mục đích tự vệ.

Trong tuyên bố ngày 6/6 về kế hoạch rút khỏi UNDOF, chính quyền áo dự kiến hoàn tất việc rút quân trong vòng 2-4 tuần và các binh sỹ đầu tiên sẽ về áo ngày 11-12/6. Quân đội áo được xem là đóng vai trò "xương sống" của UNDOF khi cung cấp tới 377 trong số 911 nhân viên lực lượng này. Do vậy, sự rút quân này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động của sứ mệnh UNDOF bị ảnh hưởng mạnh.

[LHQ bị động sau khi Áo rút khỏi Cao nguyên Golan]

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố Nga sẵn sàng thay thế các binh sỹ gìn giữ hòa bình của áo, song Liên hợp quốc đã từ chối đề nghị của Nga do Hiệp định ngừng bắn giữa Syria và Israel ký năm 1974 không cho phép binh sỹ gìn giữ hòa bình của các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham gia UNDOF.

Phát biểu với báo giới sau phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an ngày 7/6, Đại sứ Anh Mark Lyall Grant, nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này, cho biết UNDOF tạm thời sẽ được giữ nguyên. Bộ phận chuyên trách về gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ đề nghị các nước tham gia UNDOF như Philippines và Ấn Độ tăng cường đóng góp quân, và cũng sẽ xem xét khả năng kêu gọi các nước khác tham gia.

Trước mắt, Liên hợp quốc sẽ đề nghị áo giảm tốc độ rút quân và đề nghị các nước đóng góp quân khác không "theo chân Áo." Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Herve Ladsous gợi ý nên tăng quân số của UNDOF lên 1.250 người.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 9/6 nói rằng "sự tan rã" của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cao nguyên Golan cho thấy Israel "không thể trông cậy" vào lực lượng quốc tế để đảm bảo an ninh của nước này.

Cao nguyên Golan có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Trung Đông. Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Israel chiếm giữ vùng đất rộng tới 1.200 km2 ở Golan và sáp nhập vào lãnh thổ của mình cho dù không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Năm 1973, Israel và Syria ký Hiệp định ngừng bắn, theo đó Damascus không được đưa quân đội tới khu vực này. Tuy nhiên, hai bên vẫn trong tình trạng chiến tranh, buộc Liên hợp quốc phải triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát việc thực thi hiệp định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục