Áo xem xét trao quyền giám sát dịch vụ tin nhắn cho cảnh sát

Áo đang thúc đẩy kế hoạch trao quyền giám sát các dịch vụ tin nhắn như WhatsApp và Skype cho cảnh sát, trong bối cảnh tội phạm ngày càng thường xuyên liên lạc qua tin nhắn thay vì gọi điện thoại.
Áo xem xét trao quyền giám sát dịch vụ tin nhắn cho cảnh sát ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Áo đang thúc đẩy kế hoạch trao quyền giám sát các dịch vụ tin nhắn như WhatsApp và Skype cho cảnh sát, trong bối cảnh tội phạm ngày càng thường xuyên liên lạc qua tin nhắn thay vì gọi điện thoại.

Giới chức Bộ Tư pháp Áo ngày 10/7 cho biết chính phủ nước này đang yêu cầu các chuyên gia về chính trị, công nghệ, quyền dân sự và pháp lý xem xét lại dự luật cho phép cảnh sát giám sát các cuộc đối thoại sử dụng các dịch vụ và ứng dụng tin nhắn.

Hiện việc giám sát này chỉ được thực hiện khi tòa án ra lệnh điều tra các hoạt động khủng bố hoặc tội danh khác với mức phạt ít nhất là 5 năm tù. Các quốc gia châu Âu cũng đang áp dụng luật tương tự là Pháp, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha.

[Đức dùng WhatsApp, công nghệ nhận diện khuôn mặt để chống khủng bố]

Hiện chưa rõ Áo sẽ tiến hành hoạt động giám sát như thế nào. Một trong các cách tiếp cận có thể là cài đặt phần mềm vào máy tính và các thiết bị di động của đối tượng bị tình nghi sử dụng các công cụ gửi tin nhắn được mã hóa nhằm ngăn chính phủ tiếp cận thông qua các công nghệ nghe lén từ xa và truyền thống.

Các công cụ này do một số doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị giám sát và gián điệp bán cho chính phủ.

Tòa án Áo đã phạt tù một số đối tượng có liên quan đến các tổ chức khủng bố dựa trên các dữ liệu từ những thiết bị được tịch thu. Dự luật mới sẽ trao thêm quyền lấy cả dữ liệu từ những thiết bị chưa được tịch thu.

Dự kiến Chính phủ Áo sẽ trình dự luật mới lên quốc hội sau ngày 21/8 tới. 

Tại Đức, cảnh sát và các cơ quan tình báo có quyền cài phần mềm chứa virus vào các điện thoại của đối tượng tình nghi song điều luật này đang gây tranh cãi và hiện chưa rõ mức độ phổ biến của việc sử dụng.

Trong khi đó, Thượng viện Hà Lan sẽ bỏ phiếu luật an ninh số, trong đó có điều khoản cho phép các cơ quan tình báo sử dụng phần mềm chứa virus đối với các nghi can phạm tội hình sự.

Còn tại Anh, Đạo luật Tình báo đang trong quá trình thực thi cho phép cảnh sát và các cơ quan tình báo can thiệp vào hệ thống liên lạc trên quy mô lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục