Ngày 30/9, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa phối hợp liên chuyên khoa, thực hiện phẫu thuật thành công cho một sản phụ bị nhau cài răng lược.
Đây là một trường hợp nặng, sản phụ có chỉ định mổ bắt con và cắt tử cung, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, các bác sỹ đã áp dụng thành công kỹ thuật hỗ trợ chèn bóng và cứu sống được cả mẹ lẫn con.
Sản phụ L.T.X.L, 35 tuổi (ngụ tại tỉnh Bạc Liêu) và đã có tiền sử 2 lần mổ lấy thai trước đây. Ở tuần thai thứ 29, sản phụ đi khám thai tại địa phương thì phát hiện nhau tiền đạo bám vào vết mổ lấy thai cũ, có khả năng cài răng lược trên vết mổ cũ, sau đó thai phụ được chuyển lên Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các bác sỹ nhận thấy nhau thai đã xâm lấn đến bàng quang và quyết định phẫu thuật mổ bắt con, đồng thời cắt bỏ tử cung để bảo tồn tính mạng cho thai phụ khi thai ở tuần thứ 36.
Bác sỹ Lê Thị Kiều Dung thuộc Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là một cuộc mổ lớn với thời gian mổ kéo dài. Người bệnh đứng trước nguy cơ mất máu nhiều, rủi ro cao trong quá trình phẫu thuật, thậm chí có thể tử vong.
[Nuôi dưỡng thành công ba bé trong ca tam thai sinh non]
Do đó, các bác sỹ quyết định hỗ trợ chèn bóng vào động mạch chậu trong, nhằm giảm phần lớn máu đến vùng phẫu thuật, giúp cuộc mổ mất máu ít hơn. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng cho đối tượng thai phụ. Tuy nhiên, các bác sỹ vẫn lo lắng do kỹ thuật này cần sự điều hướng của tia X, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Mặt khác, thời gian giữa 2 quá trình mổ lấy thai và cắt tử cung chỉ cho phép giới hạn trong khoảng 15-20 phút bởi càng kéo dài, khả năng mất máu càng nhiều, càng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.
Mặc dù vậy, với sự phối hợp nhịp nhàng và thay phiên nhau liên tục, các bác sỹ sản khoa đã tiến hành mổ bắt con nhanh chóng và nhẹ nhàng. Ngay sau đó, nhóm bác sỹ chẩn đoán hình ảnh tiếp tục chèn bóng vào động mạch chậu trong, giúp nhóm phẫu thuật viên sản khoa trở lại sau đó cắt tử cung an toàn.
Kết quả sau ca phẫu thuật, bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh, sản phụ mất một lượng máu rất ít so với phẫu thuật thông thường, hồi phục nhanh chóng, không ghi nhận thiếu máu hay bất kỳ biến chứng nào. Vài ngày sau phẫu thuật, cả mẹ và bé đều được xuất viện trở về nhà.
Theo bác sỹ Lê Thị Kiều Dung, phụ nữ càng sinh mổ nhiều lần thì nguy cơ nhau cài răng lược càng cao, bên cạnh đó là các trường hợp sinh nhiều hoặc có tiền căn nạo phá thai nhiều lần... cũng dễ bị nhau cài răng lược.
Trên thực tế, tại Việt Nam tỷ lệ nhau cài răng lược đang ngày càng gia tăng bởi do quan niệm chọn ngày, giờ sinh con khiến tình trạng mổ lấy thai ngày càng phổ biến. Do đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc lựa chọn phương thức sinh con phù hợp, an toàn./.