Áp dụng nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt dịch COVID-19

SISME đã xây dựng nền tảng số kết nối cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị có thể áp dụng điều hành công ty từ xa, hướng tới số hóa quản trị và tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp dệt may ở Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp dệt may ở Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Chiều ngày 17/4 tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức hội nghị với chủ đề "Áp dụng nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn trong bối cảnh dịch COVID-19."

Sự kiện được tổ chức trực tuyến, kết nối 10 điểm cầu gồm thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước nhằm tuân thủ đúng quy định của Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19.

Nội dung chính được thảo luận tại hội nghị là đề xuất các nhóm giải pháp để quản trị, áp dụng nền tảng số, kết nối vốn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó đại dịch.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME) cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ngành du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống...; trong đó, nhiều đơn vị giảm mạnh doanh số, thậm chí doanh thu, lợi nhuận giảm về xấp xỉ bằng 0.

Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và không có giải pháp khống chế sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, khiến các công ty nhỏ có thể phải đóng cửa.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, theo SISME, cần có những giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đầy đủ thông tin và các chính sách hỗ trợ cùng như nắm rõ quy trình, thủ tục thực hiện.

SISME đã xây dựng nền tảng số kết nối cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị có thể áp dụng điều hành công ty từ xa, hướng tới số hóa quản trị và tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh...

Nền tảng này sẽ góp phần hình thành chuyển đổi số cho SME Việt Nam và xây dựng cộng đồng doanh nhân số.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đối với hơn 1.200 doanh nghiệp, nếu dịch COVID-19 kéo dài tới 6 tháng thì 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản...

Hiện nay, đại đa số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ trong nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoạt động kinh doanh cầm chừng, giảm sút, doanh thu bị sụt giảm rất lớn do tác động của dịch bệnh…

Thực trạng đó dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp không những không còn lợi nhuận mà còn có thể bị âm vốn.

[Hà Nội: Nhiều "đại gia," tập đoàn lớn mong giảm thuế, giãn nợ]

Trong bối cảnh này, vấn đề đặt ra là làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục và vượt qua khó khăn.

Việc chủ động chuyển đổi số và gia tăng các hoạt động kinh doanh trên mạng liệu có giúp nâng cao giá trị gia tăng, tiết kiêm chi phí tài chính và thời gian của doanh nghiệp?

Doanh nghiệp cần làm gì để đẩy nhanh tiến trình số hóa hoạt động quản trị cũng như đón đầu cơ hội kinh doanh sau khi kết thúc dịch COVID-19?...

Đại diện tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu ý kiến, các bộ, ban ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả những giải pháp điều hành tài chính tiền tệ và tín dụng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, chính sách giảm lãi vay 2% và áp dụng lãi suất cho vay 0% qua ngân hàng chính sách,...

Cùng với đó, chính các doanh nghiệp thuộc khu vực nhỏ và vừa cũng cần sự chủ động ứng dụng nền tảng số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương để chia sẻ nguồn lực; tích cực chuyển đổi phương thức quản lý, quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh từ xa (hay còn gọi là cơ chế hoạt động không gặp mặt); tuyệt đối tuân thủ các giải pháp giúp giảm thiểu lây lan dịch bệnh trong thời dịch COVID-19 và nâng cao hiệu suất của người lao động cũng như gia tăng sự minh bạch của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Thân, hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần sự phối hợp để liên kết và tích hợp các giải pháp giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc triển khai thương mại điện tử bằng cách tích hợp ví điện tử, chữ ký số, mobile money và các công cụ thanh toán đầu cuối... để giảm thiểu thanh toán tiền mặt lại vừa minh bạch hoá các hoat động thương mại của doanh nghiệp.

Đây cũng là cách để tự động đánh giá giá trị doanh nghiệp theo thời gian thực nhằm giúp doanh nghiệp thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục