Áp lực vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất

Việc tăng lãi suất được lãnh đạo các ngân hàng đưa ra cùng một nguyên nhân đó là hút khách gửi tiền và gia tăng nguồn lực vốn trung và dài hạn.
Áp lực vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất ảnh 1Giao dịch tại ABBANK. (Ảnh: CTV)

Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã liên tục được điều chỉnh tăng từ 0,7-0,8% mỗi năm trong những ngày gần đây. Theo các chuyên gia, ngoài lý do cần tiền để đáp ứng nhu cầu vay vốn thì lãi suất cũng thường tăng cao vào mỗi dịp cuối năm.

Cuộc đua ngày càng gay cấn

Trên thị trường, SHB vừa điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng lên mức 8,2%/năm, áp dụng với tất cả khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng được đẩy từ 7% lên đến 7,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm. Trước đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ ở mức 7,2%/năm.

ABBANK cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,7% và 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 7,5% và 8,5%/năm. Với mức lãi suất mới, sản phẩm gửi tiết kiệm tại ABBANK được xem là một trong những ngân hàng cạnh tranh nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay dành cho khách hàng cá nhân.

Tại NamABank, lãi suất gửi tại quầy ở kỳ hạn 25-36 tháng cũng đồng loạt tăng mạnh 0,5% lên mức 7,9%/năm. Kỳ hạn 14-23 tháng cũng tăng từ 0,2-0,4%/năm, lên đến 7,7-7,8%/năm.

[Lãi suất cho vay giảm, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm nhưng không nhiều]

Việc tăng lãi suất được lãnh đạo các ngân hàng đưa ra cùng một nguyên nhân đó là hút khách gửi tiền và gia tăng nguồn lực vốn trung và dài hạn.

Ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng Giám đốc ABBANK chia sẻ: “Đợt điều chỉnh lãi suất lần này là một nỗ lực của ABBANK nhằm tạo những cơ hội gia tăng lợi ích tài chính cho khách hàng có nhu cầu tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, ABBANK cũng mong muốn thu hút, bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.”

Còn ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất là nhằm thu hút khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài để gia tăng nguồn lực nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm. 

Theo các chuyên gia tài chính, gửi tiền tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư truyền thống an toàn và được các khách hàng tin tưởng. Hơn nữa, trong bối cảnh lãi suất huy động đang rất cạnh tranh giữa các ngân hàng trên thị trường, gửi tiền ngân hàng tiếp tục là một trong những kênh tích lũy ưu thế hàng đầu của các gia đình.

Không chỉ tăng lãi suất huy động, hiện một số ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Ngân hàng Bản Việt vừa cho biết chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Cụ thể, chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng, tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10%/năm và 10,2%/năm.

Theo khảo sát, lãi suất chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng phát hành cao hơn hẳn so với hình thức gửi tiền tiết kiệm. Trong đó, có 2 ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 9,1%/năm là VIB và VietABank. Những ngân hàng khác đa số phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 8%/năm. 

Như vậy mức lãi suất mà Ngân hàng Bản Việt đưa ra đang vượt trội hơn hẳn về lãi suất so với các nhà băng khác vốn đang ở quanh mức 9%/năm. Mức lãi suất này cũng đang ngang ngửa và cạnh tranh trực tiếp với các công ty tài chính tiêu dùng - vốn chỉ được huy động vốn từ các khách hàng là tổ chức. Khoản tiền gửi thông thường của nhà băng này cũng đang chiếm lĩnh vị trí quán quân trên thị trường với 8,6%/năm.

Có thể thấy, áp lực huy động vẫn còn lớn ở các ngân hàng đang khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn neo ở mức cao và thậm chí có xu hướng tăng. Điều này có thể lý giải bởi giai đoạn cuối năm là giai đoạn mà nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nền kinh tế tăng mạnh. Theo đó, các ngân hàng cần tăng cường huy động vốn đầu vào để đáp ứng tăng trưởng tín dụng.

Cũng có ý kiến quan ngại rằng lãi suất tăng thường đi đôi với vấn đề thanh khoản căng thẳng, tuy nhiên diễn biến hiện nay của thị trường và các giao dịch liên ngân hàng với lãi suất ổn định quanh mức 3%, các chuyên gia phân tích cho rằng không phải vấn đề ở thanh khoản xấu mà là chủ yếu bởi bản thân các ngân hàng đang chuẩn bị nguồn lực cho mùa kinh doanh cuối năm mà thôi.

Áp lực vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV)

Lãi suất cho vay liệu có giảm?

Từ đầu tháng Tám, 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank và 2 ngân hàng cổ phần là VPBank và Techcombank đã tiên phong trong việc cắt giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên từ 0,5-1% dao động từ 5,5%-7,5%/năm cho kỳ ngắn hạn. Tuy nhiên, với việc lãi suất huy động tăng trong những ngày gần đây thì các chuyên gia cho rằng kỳ vọng vào việc một số ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay khiến các ngân hàng khác giảm theo là khó.

Lý do của việc trên là bởi chi phí vốn của các ngân hàng hiện vẫn khá cao, muốn duy trì lợi nhuận bắt buộc phải giữ lãi suất cho vay cao. Nhìn vào làn sóng các ngân hàng đồng loạt đẩy lãi suất huy động lên đủ thấy chính họ đang làm khó mình khi muốn giảm lãi suất cho vay nền kinh tế.

Tiễn sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, hiện một số ngân hàng vẫn đang tăng lãi suất huy động, trước hết là vì quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% trong năm nay và trong những năm sắp tới có thể chỉ còn 30%. Đặc biệt, các ngân hàng nhỏ có vốn ngắn hạn nhiều nên phải tăng cường vốn trung và dài dạn bằng cách tăng lãi suất. Khi ngân hàng tăng lãi suất như vậy thì sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất của cả hệ thống.

"Chúng ta đang chờ xem mặt bằng giảm lãi suất cho vay có tác động thế nào đến thị trường lãi suất huy động nhưng tôi chưa thấy dấu hiệu sẽ hạ lãi suất. Hiện các ngân hàng hoạt động theo NIM (tỷ lệ lợi nhuận giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động) thì hiện tỷ lệ này hiện đang ở mức 3%, nếu giảm lãi suất cho vay có thể giảm lãi suất huy động nhưng việc giảm lãi suất huy động là khó nên có thể các ngân hàng phải hy sinh giảm tỷ lệ lợi nhuận," ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, chi phí vốn của các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa vẫn ở mức cao nên những nhà băng này khó lòng có thể giảm được, ngân hàng có room tín dụng thấp, muốn duy trì lợi nhuận bắt buộc phải giữ lãi suất cho vay cao. Ở thời điểm hiện nay, chỉ những ngân hàng dư thừa nguồn vốn ngắn hạn mới có cơ hội giảm lãi vay ở kỳ hạn ngắn.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục