'Lãi suất cho vay giảm, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm nhưng không nhiều'

Ông Đào Gia Hưng cho biết, đợt giảm lãi suất cho vay lần này sẽ khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm nhưng không nhiều vì VPBank đã cân đối các bước đi cụ thể.
'Lãi suất cho vay giảm, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm nhưng không nhiều' ảnh 1Giao dịch tại VPBank. (Nguồn: VPBank)

Hưởng ứng chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thông báo giảm lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên kể từ ngày 11/1.

Với quyết định giảm lãi suất lần này, VPBank tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ ở những sản phẩm tài chính đa dạng, phù hợp với nhu cầu khách hàng mà còn cả ở lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn đầu vào.

Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa của VPBank để hiểu rõ hơn về sự chia sẻ này.

- Xin ông cho biết chính sách giảm lãi suất cho các doanh nghiệp ưu tiên của VPBank?

Ông Đào Gia Hưng: VPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên hưởng ứng chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, VPBank đã chỉ đạo và ban hành một loạt văn bản giảm lãi suất cho nhóm ngành ưu tiên. Theo đó, các ngành có thể được hưởng sự ưu tiên này như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường... mức giảm chúng tôi áp dụng cho khách hàng là khoản vay ngắn hạn, chủ yếu để bổ sung vốn lưu động trong quá trình hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Mức giảm khoảng từ 0,5-1% tùy theo tín nhiệm, theo hệ thống sếp hạng của VPBank.

Trước đó, vào tháng 7/2017, VPBank cũng đã giảm từ 0,5%-1% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với quyết định giảm lãi suất lần này, VPBank tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ ở những sản phẩm tài chính đa dạng, phù hợp với nhu cầu khách hàng mà còn cả ở lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn đầu vào.

[Ngân hàng Nhà nước: Đã giữ lãi suất cho vay hợp lý trong năm 2017]

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp vừa và nhỏ được VPBank xác định là một trong những phân khúc khách hàng chiến lược mà Ngân hàng hướng tới phục vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ. Bên cạnh những sản phẩm cho vay có tài sản bảo đảm thông thường, VPBank đã đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tín chấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng khi không có tài sản bảo đảm.

- Hiện nay dư nợ các doanh nghiệp ưu tiên đang chiếm khoảng bao nhiêu % trong tổng dư nợ của VPBank?

Ông Đào Gia Hưng: Những doanh nghiệp ưu tiên chúng tôi gọi là nhóm ngành, nghĩa là sự phân loại khá rộng và nhiều khi môt doanh nghiệp có thể làm nhiều lĩnh vực và theo chúng tôi tính thì nhóm ngành này chiếm khoảng 20-30%, tùy theo thời điểm mình lấy số liệu.

- Thưa ông với chính sách giảm lãi suất lần này thì lãi suất cho vay thấp nhấp đối với những lĩnh vực ưu tiên còn khoảng bao nhiêu?

Ông Đào Gia Hưng: Mức lãi suất thông thường của nhóm khách hàng ưu tiên này đang ở mức khoảng 7%, khi áp dụng mức giảm lần này thì những doanh nghiệp đó tối đa được giảm xuống còn 6%/năm. Mức cao nhất tùy vào mức độ tín nhiệm của khách hàng.

- Vậy còn lãi suất cho vay trung dài hạn đối với những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành ưu tiên VPBank sẽ giảm khoảng bao nhiêu?

Ông Đào Gia Hưng: Lãi suất trung dài hạn cơ bản cho vay ngắn hạn một chút, cao hơn mức nào thì cũng tùy vào dự án đầu tư trung dài hạn và tùy thuộc vào định mức tín nhiệm của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp ưu tiên có nhu cầu vay vốn trung dài hạn đầu tư vào nhà xưởng sản xuất kinh doanh thì lãi suất sẽ cao hơn khoảng từ 2-3% và sẽ ở mức khoảng 8-9%/năm.

- Hiện nay lãi suất huy động của VPBank dao động từ 5-7%, vậy thì nhờ đâu VPBank lại cho các nhóm ngành ưu tiên vay với lãi suất từ 6-7%/năm?

Ông Đào Gia Hưng: Ngân hàng đã có sự tính toán rồi thì mới đưa ra mức giảm lãi suất như vậy. Nếu doanh nghiệp nằm trong nhóm ngành ưu tiên chúng tôi đã có một nguồn quỹ riêng về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điển hình là quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi đã được Bộ Kế hoạch lựa chọn là một trong 4 ngân hàng tham gia vào quỹ này. Theo đó quỹ sẽ hỗ trợ lãi suất rất tốt cho VPBank và ngân hàng sẽ dùng vốn đó để cho vay khách hàng và nằm trong các nhóm ngành ưu tiên.

Thứ hai, khi có chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, ngân hàng sẽ bố trí nguồn vốn mang tính chất là rẻ tương ứng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là sự cân đối thông thường của khách hàng để đảm bảo khi cho vay ra vẫn đảm bảo có lãi.

Thứ ba, chúng tôi còn có những sản phẩm bán chéo, khi thu hút được các khách hàng ưu tiên như vậy thì khách hàng có thể sử dụng thêm các sản phẩm khác của VPBank. Doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm của mình thì chúng tôi cũng có cơ hội thu thêm phí, như vậy sẽ đưa lại lợi nhuận nhiều hơn cho ngân hàng.

- Một số doanh nghiệp quan tâm là thời điểm ngân hàng giảm lãi suất ngắn hạn cho nhóm ngành ưu tiên từ 6%, vậy những khoản vay cũ có được giảm hay không?

Ông Đào Gia Hưng: Cơ bản chính sách này ưu tiên đặc biệt các khoản vay mới, khách hàng mới để thu hút khách hàng mới về đáp ứng đúng chủ trương của Chính phủ là đáp ứng cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí là thành lập mới.

Còn các khoản vay cũ thì cũng sẽ có sự xem xét về việc giảm lãi suất nhưng sẽ tùy thuộc vào sản phẩm đó và các chính sách cho sản phẩm đó.

- Ban lãnh đạo có tính toán đến việc giảm lãi suất lần này thì lợi nhuận sẽ giảm bao nhiêu không thưa ông?

Ông Đào Gia Hưng: Chúng tôi cũng có tính toán, cơ bản là lợi nhuận có giảm nhưng không nhiều vì VPBank đã cân đối đến thu nhập tương lai của ngân hàng có khả năng nhận được. Việc tính toán rất đơn giản: khi giảm lãi suất thì số lượng khách hàng tăng lên bao nhiêu, bán chéo được thêm bao nhiêu, dư nợ tăng bao nhiêu và như vậy sẽ cân bằng lại được mức hụt kia.

- Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng chia sẻ, việc giảm lãi suất lần này cũng không dễ dàng gì vì lãi suất huy động chưa giảm?

Ông Đào Gia Hưng: Đúng là như vậy. Bản chất của việc giảm lãi suất lần này là ngân hàng phải chấp nhận lợi nhuận giảm. Còn việc lợi nhuận giảm đến đâu, bán chéo được sản phẩm đến đâu thì lại phụ thuộc vào từng ngân hàng. Nhưng nếu tính về mặt thời điểm thì thời điểm này khi mà đột ngột giảm lãi suất như vậy thì lợi nhuận ngân hàng chắc chắ sẽ giảm ngay.

Vì các hợp đồng tiền gửi vẫn phải trả vì đã ký rồi, còn hàng ngày ngân hàng vẫn có khách hàng mới đến.

- Tuy nhiên đây là thời điểm sát Tết và các ngân hàng đều có nhu cầu huy động vốn nhiều thì việc giảm lãi suất huy động khó có thể thực hiện được?

Ông Đào Gia Hưng: Thực ra lãi suất huy động là một bài toán tách biệt nó khó có thể giảm ngay được và còn phụ thuộc vào việc ký kết với khách hàng vì nếu có giảm thì vẫn phải giữ mức lãi suất đã ký ở các kỳ hạn cho khách hàng. Nên đây cũng là bài toán khó cho các ngân hàng và các ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận là đương nhiên.

- Nhiều doanh nghiệp cũng thắc mắc là trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được gói lãi suất ưu đãi này vì họ cho rằng ngân hàng thường nắm đằng chuôi. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Đào Gia Hưng: Đầu tiên, là cũng phải phụ thuộc vào giác độ. Theo chủ trương của ngành ngân hàng đưa ra sẽ giảm lãi suất cho từng này ngành thì đương nhiên chỉ những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong những lĩnh vực đó mới có cơ hội được vay vốn với mức lãi suất thấp. Đây là những đối tượng được hưởng lợi. Còn những doanh nghiệp không nằm trong các nhóm ngành này thì phải vay với mức lãi suất thông thường.

Trong những nhóm ngành ưu tiên, thông thường các ngân hàng cũng chia ra nhiều mức độ khác nhau và mỗi lĩnh vực cũng sẽ có những ưu tiên khác nhau. Doanh nghiệp nào trước đây quan hệ với ngân hàng tốt, đóng góp nhiều cho ngân hàng, có tình hình tài chính lành mạnh… thì đương nhiên sẽ được ưu tiên hơn. Còn với những khách hàng mới đến với ngân hàng nhưng nếu như khách hàng đó đã có "vết lịch sử trả nợ không tốt" thì thậm chí có thể bị từ chối cho vay.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ về giảm lãi suất cho vay
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục