APEC 2017: Nâng cao năng lực quản lý về rào cản kỹ thuật thương mại

hơn 100 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC tham dự Hội thảo Tăng cường năng lực nghiệp vụ quản lý theo Hiệp định về rào cản kỹ thuật đối với thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới.
APEC 2017: Nâng cao năng lực quản lý về rào cản kỹ thuật thương mại ảnh 1 Đại biểu các nền kinh tế APEC trao đổi bên lề hội thảo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong hai ngày 21 và 22/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 100 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC tham dự Hội thảo Tăng cường năng lực nghiệp vụ quản lý theo Hiệp định về rào cản kỹ thuật đối với thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (TBT).

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ ba và các cuộc họp có liên quan (SOM 3).

Dự án này của APEC do Hoa Kỳ chủ trì triển khai, với sự tham gia phối hợp thực hiện của các nền kinh tế thành viên như: Australia, New Zealand, Malaysia, Việt Nam…

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ mô hình tốt, kinh nghiệm hay trong xây dựng, áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế đánh giá sự phù hợp và áp dụng hiệu quả Hiệp định TBT cũng như sự phối hợp với khu vực công - tư trong xây dựng, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về đánh giá sự phù hợp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Tiểu ban APEC về Tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp (SCSC) 2017 - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng ghi nhận sự nỗ lực của các thành viên APEC.

[SOM 3 thảo luận nhiều nội dung quan trọng về thương mại và đầu tư]

Thời gian qua, các nền kinh tế thành viên APEC đã không ngừng nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm, cải thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của mình theo hướng phù hợp hơn với quy định Hiệp định TBT cũng như thông lệ quốc tế nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư khu vực APEC, hướng đến Mục tiêu Borgo và Kế hoạch Hành động thực hiện Tuyên bố Lima (2017-2020).

Theo ông Khôi, APEC hy vọng hội thảo sẽ giúp tăng cường chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ cho các nền kinh tế thành viên nhằm hướng tới cải thiện, nâng cao năng lực thực hiện toàn bộ Hiệp định TBT đồng thời, tiếp tục cắt giảm những rào cản kỹ thuật đối với thương mại không cần thiết, mang lại lợi ích cho hệ thống thương mại đa biên nói chung cũng như các doanh nghiệp trong từng nền kinh tế APEC, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vật lộn để cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục