APEC 2023: Cần thêm lực đẩy cho các cuộc đàm phán thương mại IPEF

Bộ trưởng Tài chính Mỹ ghi nhận đã có tiến triển “rất đáng kể” về phần lớn các lĩnh vực của IPEF, tuy nhiên cần "những chuyển động tích cực hơn nữa" để đạt được tiến triển trong vấn đề thương mại.

Toàn cảnh cảng Oakland ở California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh cảng Oakland ở California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng cần nỗ lực hơn nữa trong các cuộc đàm phán về vấn đề thương mại - một trong bốn trụ cột trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mà 14 quốc gia đang tham gia thảo luận.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Yellen ghi nhận đã có tiến triển “rất đáng kể” về ba trong số bốn lĩnh vực của IPEF mà 14 nước đang tham gia thảo luận, đó là chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.

Tuy nhiên, bà lưu ý vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong lĩnh vực thương mại, đòi hỏi những chuyển động tích cực hơn nữa để đạt được tiến triển trong vấn đề này.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng sẽ thông báo một số kết quả trong quá trình đàm phán về trụ cột thương mại nhân dịp lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại San Francisco trong tuần này.

Tháng 5/2022, Tổng thống Biden tuyên bố khởi động tiến trình thảo luận về IPEF nhằm củng cố quan hệ kinh tế với các nền kinh tế quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực ước tính chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu hiện nay.

Các nước tham gia thảo luận IPEF đang nỗ lực thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn chung trên bốn trụ cột - gồm thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng.

Các nước tham gia thảo luận về IPEF hiện gồm Mỹ, Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục